Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao

Minh - Huyền| 06/02/2012 07:40

(HNM) - Nhiều địa phương đang đẩy mạnh đô thị hóa, nông dân không mặn mà với cây lúa do hiệu quả kinh tế thấp, khiến diện tích canh tác lúa của Hà Nội bị thu hẹp.


Trong buổi làm việc đầu năm với Sở NN&PTNT Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã chỉ đạo cần có quy hoạch tổng thể đất nông nghiệp, đến năm 2020 diện tích đất lúa Hà Nội phải ổn định ở mức 92,1 nghìn hécta, bảo đảm an ninh lương thực cho TP và giữ ổn định đất lúa của cả nước. Như vậy, muốn tăng hiệu quả kinh tế, Hà Nội cần mở rộng diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao.


Trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung sản xuất lúa chất lượng cao.         Ảnh: Bá Hoạt

Hiệu quả kinh tế cao

Thanh Oai vốn là huyện thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt. Để giúp nông dân nâng cao thu nhập, từ năm 2010-2011, Trung tâm Giống cây trồng (TTGCT) Hà Nội đã triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa tại các xã với quy mô 400ha. Tham gia vào chương trình này, nông dân đã dồn điền đổi thửa, mỗi hộ nay chỉ còn 1-2 ô thửa. Sau hai năm triển khai chương trình, đời sống kinh tế các hộ tham gia được nâng lên rõ rệt. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thanh Văn Nguyễn Huy Oánh, cho biết, nếu như năm 2010, năng suất lúa hàng hóa đạt 5,5 tấn/ha/vụ thì năm 2011 đạt 5,6 - 5,8 tấn/ha/vụ. Với 400ha lúa hàng hóa, HTX nông nghiệp Thanh Văn thu về 2.240 tấn thóc. Với giá bán hiện nay 10 triệu đồng/tấn, tổng giá trị đạt 22,4 tỷ đồng; tăng hơn 2,5 tỷ đồng so với việc trồng các giống lúa trước đây mà chủ yếu là Khang dân. Thành công lớn nhất của chương trình là nông dân đã thay đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất mô hình tập trung, hàng hóa nông sản chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc TTGCT Hà Nội, sau hai năm triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa đến nay, diện tích lúa hàng hóa toàn TP có 3.670ha, giá trị lúa hàng hóa, trong hai năm đạt trên 200 tỷ đồng, cao hơn sản xuất lúa thường khoảng 18 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả kinh tế chương trình mang lại là 93 tỷ đồng, tăng hơn 68 tỷ đồng so với sản xuất lúa thường (cụ thể là Khang dân 18). Chương trình đã đạt cả 3 mục tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả mở ra hướng thâm canh mới cho nông dân ngoại thành… Hiện tại lượng lúa hàng hóa sản xuất ra đều được các doanh nghiệp, thương lái thu mua hết, nông dân không lo đầu ra.

Mở rộng diện tích


Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, chương trình sản xuất lúa hàng hóa từ nay đến năm 2015 được UBND TP phê duyệt với tổng kinh phí là 184 tỷ đồng nhằm mục tiêu xây dựng vùng lúa đặc sản ổn định. Định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô đến năm 2020, Hà Nội bố trí vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 40.000ha, tập trung tại các huyện trọng điểm như Bắc thơm ở Chương Mỹ, nếp cái hoa vàng ở Mỹ Đức… Đặc biệt là không tổ chức sản xuất tràn lan, gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội. Mục tiêu đến năm 2015, chương trình lúa hàng hóa sẽ đáp ứng 30-35% nhu cầu lương thực của Thủ đô, tạo diện mạo mới cho nông thôn ngoại thành. Đây là tiền đề quan trọng để các xã xây dựng nông thôn mới.

Sau hai năm triển khai chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao, đến nay nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã phát triển thêm trên 800ha lúa hàng hóa/năm như huyện Ðông Anh phát triển giống nếp cái hoa vàng, Thanh Oai giống Bắc thơm số 7... Từ hiệu quả chương trình, năm 2012, Hà Nội xây dựng 20 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 9 huyện ngoại thành với quy mô 6.000ha; năng suất bình quân phấn đấu đạt 5,5-5,8 tấn/ha/vụ. Quy mô sản xuất từ 5.500 đến 6.000ha, ước đạt 34.000 tấn với mức giá 11 triệu đồng/ tấn, đạt 370 tỷ đồng; hiệu quả kinh tế ước đạt 180 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng sản xuất, cần đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, đồng thời tiếp tục thực nghiệm 1-2 giống lúa chất lượng mới để bổ sung vào cơ cấu giống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Sướng, việc mở rộng quy mô sẽ tạo thành vùng sản xuất lớn, đòi hỏi mối liên kết "4 nhà" ngày càng chặt chẽ. Đây là giải pháp hàng đầu nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ canh tác, cung cấp nguồn giống, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. TTGCT Hà Nội là đơn vị đầu mối phải thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí, đặc biệt là kỹ thuật, còn doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ nông sản, quảng bá thương hiệu gạo. Để đạt được các mục tiêu chương trình, TP cần hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ cho nông dân theo chương trình bình ổn giá. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Thái Dương (một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao) cho rằng, nông dân Hà Nội đã từng bước làm quen với sản xuất lúa hàng hóa, qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư và thu mua sản phẩm với khối lượng lớn. Tuy nhiên sản xuất lúa chất lượng Hà Nội hiện còn dàn trải, khó tạo thành thương hiệu. Những khó khăn này cần sớm khắc phục tạo tiền đề cho Hà Nội hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.