Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở ra cơ hội hội nhập

Bắc Vũ| 12/09/2021 06:04

(HNM) - Hoạt động xuất bản, ra mắt sách ở nước ngoài đang có tín hiệu lạc quan, mở ra những cơ hội mới cho ngành Xuất bản của nước ta vươn ra thế giới.

Bằng những nỗ lực tự thân của các tác giả, nhà xuất bản, nhiều cuốn sách có nội dung bám sát hơi thở đương đại, hình thức thể hiện hiện đại, bắt mắt đã được xuất bản ở thị trường ngoài nước.

Gần đây có thể kể đến những ấn phẩm đã gây được tiếng vang, như bộ sách “Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita” phát hành trên toàn cầu; cuốn du ký “Đi khắp châu Á: Lời thì thầm từ phương Đông” được bán trên hệ thống bán hàng trực tuyến Amazon; sách tranh “Chang hoang dã - Gấu” được nhượng quyền xuất bản ở 5 nước… Một chi tiết đáng chú ý, thể tài về lịch sử, văn hóa Việt… cũng có nhiều đơn vị xuất bản khai thác và nhận được sự quan tâm, thu hút của độc giả nước ngoài.

Kết quả bước đầu là đáng khích lệ, song nhìn tổng thể thì con đường cho sách “xuất ngoại” vẫn ở dạng nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Thực tế số lượng sách Việt xuất khẩu, bán bản quyền ra bên ngoài lãnh thổ vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một chiến lược toàn diện, bài bản để sách Việt rộng đường vươn ra thế giới là yêu cầu đặt ra với các cấp, ngành chức năng cũng như các nhà xuất bản, người viết sách. Trong đó, yếu tố quan trọng là cần có sự dẫn dắt rõ ràng hơn của cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu, bán bản quyền sách ra nước ngoài, bao gồm vấn đề pháp lý, công tác truyền thông, xúc tiến thương mại, định hướng về nội dung… Cùng với đó, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xuất bản, nhằm nâng cao hiệu quả công tác biên tập, nghiệp vụ xuất bản theo hướng hiện đại hóa, hội nhập với ngành Xuất bản sách quốc tế.

Cũng để sách đến với độc giả nước ngoài nhiều hơn, vai trò chủ động hội nhập quốc tế của các nhà xuất bản là rất quan trọng. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các đơn vị làm sách cần có giải pháp linh hoạt để tiếp cận thị trường xuất bản nước ngoài, như tham gia triển lãm, hội chợ sách; tận dụng các kênh truyền thông để tuyên truyền, quảng bá xuất bản phẩm. Việc tham gia các hoạt động này sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trong nước giao dịch bản quyền và kinh doanh hiệu quả hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản cần tìm kiếm và khai thác những mảng sách mới để xuất bản và chủ động hội nhập. Việc này đòi hỏi phải có kinh phí, đội ngũ nhân sự với trình độ ngoại ngữ giỏi và cả sự nhạy cảm của người làm sách. Bởi thực tế, các tác phẩm sách giới thiệu đến đối tác quốc tế hầu hết đều bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là hạn chế rất lớn, vì khi chưa được chuyển ngữ, những tác phẩm gây tiếng vang tại Việt Nam ít có cơ hội giới thiệu rộng rãi ra thế giới và rất khó bán bản quyền sách.

Với các tác giả, yêu cầu đặt ra là phải hình thành tư duy viết sách trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đó là phải chú trọng nghiên cứu đề tài, cách thể hiện ấn bản phẩm nhằm đáp ứng được xu thế thưởng thức sách của độc giả nước ngoài. Trong đó, bên cạnh lựa chọn các đề tài văn hóa, lịch sử dân tộc, cần phản ánh cuộc sống xã hội, con người Việt Nam đương thời. Người viết phải ở tâm thế, ngoài “xuất ngoại” được sách, cần thông qua sách để mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới.

Sách là tri thức, là trí tuệ, là thước đo văn hóa của cả một dân tộc. Vì thế, xuất khẩu sách cũng là một cách hiệu quả, góp phần đẩy mạnh hội nhập lĩnh vực văn hóa của nước ta với thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở ra cơ hội hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.