Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình phù hợp với thực tế

Quỳnh Ngọc| 10/05/2016 07:15

(HNM) - Để truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm an toàn, hiện Bộ NN&PTNT đang triển khai chương trình thí điểm chuỗi cung ứng từ sản xuất tới tiêu thụ. Khẳng định đây là mô hình phù hợp với thực tế, song việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn bởi nông sản được xác nhận an toàn ít, chủng loại nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu…

Xây dựng chuỗi cung ứng là mô hình thích hợp để đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.Ảnh: Anh Tuấn


Hội thảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 9-5 đã phần nào làm rõ hơn giải pháp để các chuỗi này đạt hiệu quả cao hơn.

Đầu tư lớn, lợi nhuận thấp

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng (Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản), hiện đã có 35 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều bất cập như: Chủng loại sản phẩm nghèo nàn, sản xuất chỉ tập trung vào chính vụ, chưa hình thành vùng hàng hóa quy mô lớn nên vẫn xảy ra tình trạng người dân trà trộn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào bán cho siêu thị... Bà Vũ Thị Vân Phượng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại VietRap cho biết, hiện các tỉnh, thành phố chưa có kho bảo quản sản phẩm, chưa có xe chuyên dụng nên khi đưa về Hà Nội, hàng bị hỏng nhiều. Để đầu tư một nhà sơ chế với các thiết bị đóng gói mất từ 1 đến 5 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ kinh doanh nông sản thấp khiến cho hoạt động của DN gặp khó khăn.

Không chỉ vậy, các DN còn vướng về quỹ đất. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần Biggreen (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày công ty bán trên thị trường khoảng 2-3 tấn rau, 6 tấn quả, 1,5-2 tạ thịt lợn nhưng giá thuê cửa hàng ở Hà Nội quá cao, bình quân 20-40 triệu đồng/tháng. Vì vậy, phát triển nhiều năm, đến nay DN mới mở được 6 cửa hàng. Thực tế, quỹ đất để xây dựng kho bãi, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn gần như không có.

Còn theo ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc chuỗi cửa hàng nông sản Bác Tôm nhận định: Hiện người kinh doanh tham gia chuỗi mới chỉ quan tâm giá bán và lợi nhuận, chưa quan tâm chất lượng nên mới có tình trạng nông sản, thực phẩm không an toàn bị trà trộn. Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết thêm: Doanh thu năm 2015 của Siêu thị Fivimart tăng 200%, trong đó các mặt hàng rau, củ quả, thịt tươi sống chiếm tới 50%. Song, có một thực tế là số lượng và chủng loại sản phẩm an toàn được xác nhận còn ít. Khi siêu thị cần mặt hàng đáp ứng yêu cầu của khách sạn, nhà hàng, các đơn vị sản xuất không cung cấp đủ, dẫn tới bị phá vỡ hợp đồng.
Ba vấn đề trọng tâm

Siêu thị là một trong những điểm tiêu thụ rau an toàn nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm.


Để từng bước tháo gỡ các khó khăn trên, các DN đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn để xây dựng nhà xưởng, thiết bị chuyên dụng. Ông Nguyễn Đại Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần Bảo Châu (Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; có chính sách hỗ trợ về chi phí cho việc lấy mẫu phân tích vì hiện nay phí để lấy mẫu quá cao (từ 5 đến 7 triệu đồng/mẫu). TP Hà Nội cũng cần có chính sách cho phép DN sử dụng ô tô chuyên dụng chở nông sản được lưu thông trong thành phố để tạo thuận lợi cho DN. Hiện xu hướng phân phối ở Hà Nội là các cửa hàng nhỏ, tiện ích nên cần quan tâm đến việc nhân rộng loại cửa hàng này để bán sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng.

Ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc chuỗi cửa hàng Bác Tôm đề nghị, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các cửa hàng bán nông sản an toàn, bởi đây chính là khâu bán hàng trực tiếp tới người dân. Thực tế, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ, các DN tham gia chuỗi cũng đa phần quy mô nhỏ, vì vậy Nhà nước nên xây dựng một quy chuẩn về chứng nhận sản phẩm an toàn cho phù hợp với mô hình sản xuất nhỏ như hiện nay để thúc đẩy DN tham gia.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Việc vừa qua cơ quan chức năng phát hiện 80 con lợn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có chất cấm và điều tra cho thấy, các hộ sản xuất đều thực hiện tốt nhưng cơ sở giết mổ mua về nuôi một thời gian để vỗ béo và đưa chất cấm vào. Đây chính là lỗ hổng trong công tác quản lý. Do đó, trong năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm là thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đầu vào một cách đột xuất để phát hiện vi phạm; Tăng cường công tác tuyên truyền, nêu gương những chuỗi ATTP và lên án các cơ sở vi phạm; Đẩy mạnh việc kết nối nông sản an toàn đã được cơ quan xác nhận. Ngoài ra, bố trí kinh phí giám sát, đầu tư trang thiết bị kiểm tra, xét nghiệm nhanh tại hiện trường, đồng thời sửa đổi, giảm các thủ tục hành chính trong xác nhận sản phẩm an toàn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi tham gia…

Có thể nói, việc triển khai chuỗi cung ứng từ sản xuất tới tiêu thụ hoàn toàn phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Với những giải pháp được triển khai đồng bộ, chắc chắn chương trình sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm cho việc lành mạnh hóa thị trường nông sản, thực phẩm vốn đang tồn tại rất nhiều vấn đề đáng báo động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình phù hợp với thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.