Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch quyền lực, triệt tiêu tham nhũng

Nguyễn Hòa Bình| 18/03/2011 07:04

(HNM) - Có lẽ chúng ta đã dành nhiều công sức để hội thảo, mổ xẻ, nghiên cứu về vấn đề chống tham nhũng, nhưng xem ra diễn biến của căn bệnh này ngày càng phức tạp hơn.


Nói như thế không có nghĩa chúng ta lùi bước trước thực trạng nguy hại này, mà điều quan trọng là ngoài quyết tâm, chính chúng ta phải có biện pháp công khai hóa, minh bạch hóa các quyền và nghĩa vụ của các cấp, ngành, chức vụ - những nhân tố quan trọng tạo nên yếu tố quyền lực trong quản lý nhà nước, nơi nảy sinh các mầm mống của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Xác định rõ ràng những nhân tố này, chính chúng ta lại cần phải có ngay các nguyên tắc cơ bản (được coi như một tiêu chí), cùng những chính sách bắt buộc mang yếu tố luật pháp, để không chỉ ràng buộc các chủ thể đang làm công tác quản lý, mà còn là căn cứ pháp luật khi thực thi nhiệm vụ phòng ngừa từ gốc rễ "căn bệnh" này.

Khi quyền lực không gắn với sự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị... thì chống tham nhũng vẫn chỉ là khái niệm. Bởi trên thực tế đâu phải địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị nào cũng có được những người đủ dũng khí tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng của người đứng đầu, người chỉ huy, lãnh đạo?

Thực tế cho thấy, hệ thống kiểm tra, thanh tra đã có lúc, có vụ việc lơ là khiến cho người bị tố cáo tham nhũng lại có điểm tựa để "hô biến" người chống tham nhũng thành kẻ "gây mất đoàn kết nội bộ", "phát ngôn vô tổ chức"...

Cũng thực tế cho thấy, vai trò của người đứng đầu địa phương, tổ chức, đơn vị, ngành... là hết sức quan trọng. Làm lãnh đạo phải có phẩm chất biết lắng nghe. Lắng nghe để nhìn thẳng vào sự thật, gạt bỏ những "quan hệ tế nhị", phân định được rạch ròi những mạnh - yếu, tốt - xấu đang cùng tồn tại trong một sự vật, hiện tượng mới giúp người lãnh đạo có đủ bản lĩnh, sự quyết đoán khi thực thi nhiệm vụ. Ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, người lãnh đạo chính là tấm gương gần gũi, sát thực nhất để mỗi cá nhân ở đó nhìn vào, tìm được cái gì cần học, cần tránh.

Khi hệ thống chính trị ở cơ sở xác định được vị trí trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để từ đó thực sự phát huy dân chủ cơ sở, coi trọng tiếng nói phản biện của quần chúng sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh này. Khi các nhóm lợi ích còn tồn tại trong sự bảo trợ của yếu tố quyền lực, cuộc chiến chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, gian truân từ trong nội bộ mỗi đơn vị, sẽ chưa thể đến hồi kết.

Triệt tiêu các nguyên nhân gây ra căn bệnh này, đấy chính là cách phòng và chống tham nhũng hiệu quả nhất. Điều ấy phải chăng vừa là việc cấp bách lại là công việc lâu dài?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch quyền lực, triệt tiêu tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.