Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật để chống ''lợi ích nhóm''

Tiến Thành| 09/06/2022 17:45

(HNMO) - Chiều 9-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn.

Phân cấp, phân quyền hơn nữa cho địa phương

Về những ý kiến khác nhau đối với thông tin môn lịch sử sẽ là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới do đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trước những ý kiến khác nhau của cử tri về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học môn lịch sử và kiến thức lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc được tăng cường và chú trọng.

Đối với giải pháp phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi mạnh mẽ hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp được đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, vấn đề này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đến các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện. Trong tổng số 6.500 thủ tục hành chính, chỉ có hơn 20% thủ tục thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, còn lại thuộc thẩm quyền trung ương. “Đây còn là con số lớn, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói và cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ, ngành tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, tích cực hơn nữa trong rà soát phân cấp, phân quyền.

Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, vấn đề này còn tồn tại, hạn chế do thực hiện chưa theo đúng kế hoạch; các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, nhiều quy định mới được ban hành theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn, quy trình thực hiện dài hơn, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đất đai, tài sản công cần được kiểm soát, việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong vấn đề này còn chưa tốt. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong công tác này.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) về quản lý, sắp xếp tài sản công, đặc biệt đất bỏ hoang phí, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Chính phủ đã có các văn bản rà soát các cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý mà không có nhu cầu sử dụng. Cơ quan, đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý và thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về cho địa phương quản lý.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, theo tổng hợp của 9 bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương, tổng số cơ sở nhà đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là hơn 10.200. Kết quả sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư là: Giữ lại, tiếp tục sử dụng hơn 8.100 cơ sở; thu hồi 117; điều chuyển 410 cơ sở giữa bộ, ngành, địa phương tùy theo nhu cầu xử lý thực tế; bán tài sản đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236; lên phương án 302 cơ sở chuyển giao về cho địa phương xử lý. Hiện còn khoảng 1.000 cơ sở chưa xử lý.

“Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát cơ sở nhà đất, đặc biệt là khu vực để hoang hóa, không sử dụng”, đồng chí Phạm Bình Minh nói.

Chậm thực hiện các gói phục hồi kinh tế - xã hội do chưa hiểu hết các quy định thủ tục

Về giải pháp cho vấn đề đâu đó vẫn còn “lợi ích nhóm”, cục bộ, ngành, chạy theo thành tích trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà đại biểu Cẩm Hà Trung (Đoàn Phú Thọ) tranh luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, pháp luật đã có quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nếu tuân thủ quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc thì sẽ không có hiện tượng “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật. Chính phủ đã đề ra những quy định, có những nhóm giải pháp như minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của Ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các bộ...

Đại biểu Cẩm Hà Trung (Đoàn Phú Thọ) tranh luận.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) và các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, đây là nguồn vốn hết sức quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn lực huy động hết sức cần thiết, không dễ tiếp cận. Việc chúng ta vẫn huy động được nguồn vốn ODA cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này của chúng ta đang được đánh giá là hiệu quả. 

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thủ tục, quy trình giữa Việt Nam và các nhà tài trợ có nhiều khác biệt; vấn đề giải phóng mặt bằng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa hiệu quả; năng lực giải ngân còn hạn chế…

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn này, tăng cường rà soát các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với các nhà tài trợ, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA, xem xét điều chuyển nguồn vốn để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng nguồn vốn này.

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc chậm trễ thực hiện các gói phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có phải do rào cản thể chế, pháp luật hay không, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt rà soát lại về thể chế. Qua báo cáo tổng hợp, có khoảng 2.000 vấn đề, trong đó 60%-70% là do hiểu chưa hết các quy định thủ tục. 

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về giải thích các quy định giải ngân vốn đầu tư công trong nước lẫn nguồn vốn ODA. Vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ thì tập hợp điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền, liên quan đến luật thì Chính phủ sẽ báo cáo đề xuất Quốc hội”, đồng chí Phạm Bình Minh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật để chống ''lợi ích nhóm''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.