(HNM) - Hôm nay (27-7), trong niềm xúc động và tự hào kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh, quên mình vì Tổ quốc, mang về độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Với tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện.
Các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.
Đặc biệt, trong những ngày tháng 7 này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao của các bậc anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ, trở thành mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân Việt Nam!
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng là: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.
Thực hiện nhiệm vụ này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Cùng với đó là phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân người có công với đất nước đã nêu cao phẩm chất cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước.
Đặc biệt, bên cạnh việc từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công bằng hoặc cao hơn đời sống ở khu dân cư, cần dành sự quan tâm nhiều hơn chăm lo gia đình người có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, không nơi nương tựa, người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng.
Các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể để chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm, tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc những người có công với đất nước. Qua đó, góp phần xây dựng xã hội nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, nhân dân ta.
Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đây là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.