Xã hội

Mây Trắng đồi 82

Hồ Quang Lợi 26/07/2023 07:17

Nhiều năm đã trôi qua, ngày đi tìm mộ em trai trên ngọn đồi cháy nắng gần biên giới Campuchia vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi.

ho-quang-loc.jpg
Thân nhân bên ngôi mộ liệt sĩ Hồ Quang Lộc tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (tỉnh Tây Ninh).

Tìm em trên ngọn đồi cháy nắng

Nhiều năm đã trôi qua, ngày đi tìm mộ em trai trên ngọn đồi cháy nắng gần biên giới Campuchia vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi.

Đó là một ngày đầu hè năm 1994, trở về Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh sau chuyến đi Trường Sa, tôi ngỏ ý muốn lên rừng Xa Mát (Tây Ninh) tìm mộ em ruột là Hồ Quang Lộc, sinh năm 1958, hy sinh ở biên giới Tây Nam ngày 17-9-1978. Biết việc, các anh Phạm Đình Trọng, Trần Thế Tuyển ở Ban đại diện nhiệt tình ủng hộ và tìm mọi cách giúp đỡ tôi. Nhờ những thông tin ban đầu từ một người bạn học cùng khóa 42 Học viện Chính trị - Quân sự với tôi lúc đó đang công tác tại Tỉnh đội Tây Ninh, sáng hôm sau, trên chiếc U oát, tôi cùng anh Đặng Thọ Truật nhằm hướng Tây Ninh mà đi.

Mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi đến Đồi 82, nơi được người bạn học chỉ dẫn là có thể có mộ em tôi. Đi mãi mới gặp một người dân. “Cách đây khoảng 5km, có một nghĩa trang liệt sĩ to lắm”. Người này nói. Chúng tôi lên xe tiến về hướng đó. Gõ cửa một ngôi nhà thấp, đơn sơ, chúng tôi thấy một người lết chân ra. Đó là người quản trang sống cùng gia đình tại đây. Anh mở tủ, khệ nệ bê ra một chồng sổ lớn ghi danh sách và mộ chí các liệt sĩ. Chúng tôi tìm đi, tìm lại từng quyển một nhưng không thấy tên em tôi đâu.

Thất vọng! Lộc ơi! Em hy sinh 16 năm rồi mà anh và gia đình vẫn chưa biết em nằm nơi đâu? Thấy một quyển sổ nằm riêng biệt một nơi, tôi cầm lên thì anh Đặng Thọ Truật khẳng định: “Quyển này mình đã tìm kỹ 2 lần rồi”. Tôi để quyển sổ xuống bàn, định quay ra, nhưng linh tính thế nào lại cầm lên. Vừa mở ra, mắt tôi bỗng hoa lên… Em tôi đây rồi! Như có một luồng điện chạy qua người, tôi dán mắt vào dòng chữ: Hồ Quang Lộc. Anh Đặng Thọ Truật thốt lên: Thật kỳ lạ!

Chúng tôi lên xe phóng lên nghĩa trang. Nắng trưa chói chang. Hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Em tôi nằm ở khu E3, cùng với một số đồng đội ở Trung đoàn 977, Sư đoàn 31, Binh đoàn Tây Nguyên. Tất cả đều là những chàng trai chưa qua tuổi 20! Một vầng sáng trắng lóa từ 15.000 ngôi mộ chiếu lên trời xanh!

“Ôi, con tôi, con tôi!”

Tôi chỉ hơn Lộc hai tuổi. Nhà nghèo, bố đột ngột mất sớm, một mình mẹ chèo chống nuôi 8 miệng ăn gồm 6 đứa con nhỏ, trong đó em gái út Hồ Thị Quế, lúc bố mất chỉ mới 3 tháng tuổi. Tuổi thơ của tôi và Lộc chìm trong đói rét. Ngày tôi có giấy báo đi học lớp chuyên văn tỉnh Nghệ An (bây giờ là Trường Chuyên Phan Bội Châu), Lộc từ ngoài ngõ chạy về, tay cầm tờ giấy báo kêu lên: “Chết tau rồi Lợi ơi!”. Em tôi lo rằng sau khi tôi đi học nội trú xa nhà, mọi việc đồng áng nặng nhọc sẽ trút lên vai nó. Đúng thế thật. Rồi tôi du học ở Trường Đại học Tổng hợp Bucarest (Rumani), Lộc ở nhà đi dân công Vực Mấu, đi xây hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh cho đến ngày nhập ngũ.

Tôi về nước tháng 7-1979.

Mẹ Hồ Thị Niềm và anh cả Hồ Quang Thắng ra tận Hà Nội đón tôi trong thời tiết nóng bức, ngột ngạt.

Hôm sau, ba mẹ con tôi đáp tàu hỏa về quê trong một ngày mưa như trút nước. Vừa bước vào nhà, nhìn thấy ảnh Lộc treo trên tường, dưới ảnh của bố tôi, tôi thốt lên: “Lộc có bức ảnh đẹp quá!”. Bỗng phía sau, mẹ tôi òa lên khóc nức nở. Anh cả đến bên tôi nói nhỏ: “Lộc đã hy sinh rồi, em ơi! Lộc mất từ năm ngoái ở biên giới Tây Nam, nhưng em đang ở xa nên ở nhà giấu em, không báo...”.

Đất dưới chân tôi như sụp xuống! Thằng em trai đã bao năm cùng tôi lặn lội hết đồng cạn, đến đồng sâu, chia nhau từng củ khoai, củ sắn, đêm rét co ro ôm nhau ngủ trên cái rương đựng lúa… nay đang nằm ở cánh rừng nào? Lộc ơi!...

Lộc hy sinh, mẹ tôi như tàu lá héo, người gầy rộc, chỉ còn da bọc xương. Mấy hôm đầu tôi mới về, đêm nào mẹ cũng mê sảng: “Lộc ơi, con đâu rồi?”. Nằm ở giường bên, tôi giật mình chạy đến, lay gọi “Mẹ! Mẹ!”. Mẹ ôm chầm lấy tôi và kêu lên: “Ôi! Con tôi đây rồi! Con tôi đây rồi! Lộc ơi! Con có chết đâu!”...

Điều cảm nhận từ cõi linh thiêng

Ngay sau khi tôi tìm được mộ em, các anh ở Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân ở phía Nam ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ tôi đưa hài cốt Lộc về quê hương. Tôi về nhà xin phép mẹ làm việc đó nhưng mẹ tôi chỉ im lặng. Gặng hỏi mãi, mẹ mới nói: “Em nó phải chịu phận đời ngắn ngủi, nay đã nằm yên rồi thì đừng đụng đến nữa, đau lòng mẹ lắm. Lúc nào mẹ mất, các con muốn đưa em về cũng được”. Năm 2004, một người bạn chiến đấu cùng đơn vị với Lộc tên là Bắc tìm đến gặp tôi. Ngập ngừng hồi lâu, Bắc mới cất lời lên được: “Trận đó, Lộc chiến đấu rất anh dũng. Đúng lúc Lộc xông lên để chiếm một vị trí thuận lợi, bắn hỗ trợ cho đồng đội thì một quả cối không biết từ hướng nào bay tới, Lộc hứng gần như toàn bộ quả đạn, thi thể không còn nguyên vẹn…”.

Không ai nói với mẹ tôi điều này. Tôi ráp nối lại mọi chi tiết của câu chuyện và lờ mờ thấy mẹ tôi dường như đã cảm nhận được điều gì đó từ cõi tâm linh. Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng vào hồi 13h13 ngày 13-3-2006 trong ngôi nhà thân yêu - nơi cả 6 anh em tôi cất tiếng chào đời, nơi bố tôi ngã bệnh chỉ trong nửa ngày rồi mất.

Năm 2004, trong "một đêm thơ bất chợt" giữa những nhà thơ được mến mộ như Nguyễn Sỹ Đại, Lê Cảnh Nhạc, Kim Hoa, Hà Cừ..., một người ngoại đạo như tôi cũng được đề nghị đọc một bài. Không ngờ bài thơ Hơi ấm đời con mộc mạc của tôi lại làm Lê Cảnh Nhạc rất xúc động. Sát Tết 2006, khi tôi đang cấp cứu mẹ ở Bệnh viện Quỳnh Lưu, Nghệ An thì Tổng Biên tập Lê Cảnh Nhạc gọi điện từ Hà Nội đề nghị tôi cho đăng bài thơ đó trên Tạp chí Gia đình và Trẻ em số Xuân 2006. Sau đó anh còn cho phóng bài thơ như một bức ảnh cỡ lớn, đóng khung cẩn thận gửi về tặng mẹ tôi. Đang nằm trên giường cấp cứu, đón nhận món quà đặc biệt của Lê Cảnh Nhạc, nghe tôi đọc lại bài thơ, mẹ tôi nhỏm ngồi dậy, và không thể ngờ được, cụ đọc một mạch bài thơ tự làm cách đó 25 năm về cuộc đời gian truân của mình, trong đó có câu về Lộc:

Cuộc đời thấm thoắt thoi đưa/ Tuổi xuân mới đó nay vừa 60/ Mình cùng lứa tuổi với người/ Riêng mình, mình lại ngậm ngùi thương con/ Hy sinh vì nước vì non/ Thương con, luống những héo hon nhớ chồng...

Hoa hồng trên mộ

Tháng 6 năm 2007, tôi và con gái nhỏ Hồ Thủy Tiên cùng phóng viên Đoàn Hoài Trung, nhiếp ảnh gia Đình Minh và nữ phóng viên Vân Anh của Báo Tây Ninh lên Nghĩa trang Đồi 82 để thắp hương cho Lộc. Chúng tôi đang thắp hương thì người quản trang, cũng là một cựu chiến binh đi ngang qua, dừng chân hỏi chuyện. Tôi tỏ ý tiếc về việc cây hoa đại bị chết, không ngờ người quản trang nhiệt tình nhận lời sẽ trồng một cây hoa đại khác để che mát cho ngôi mộ em tôi cùng các đồng đội nằm bên. Một điều nữa, em tôi lúc nhập ngũ chưa kịp có người yêu, nay có một người con gái trẻ trung, nữ phóng viên Vân Anh chủ động mua một bó hoa hồng đỏ thắm đặt lên mộ em tôi. Khi Vân Anh chắp tay hứa trước mộ: "Em sẽ thường xuyên qua thăm anh", thì trời đang nắng như đổ lửa, bỗng dịu đi...

Đêm 17-7-2010, tôi và một số nhà báo dự đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường biên giới Tây Nam và nước bạn Campuchia, được tổ chức trọng thể tại Nghĩa trang Đồi 82, nơi có 15.000 liệt sĩ đang yên nghỉ. Biết tôi có em trai là liệt sĩ đang nằm tại nghĩa trang này, mấy anh em, bạn bè đồng nghiệp trong đó có các anh Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, anh Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng… tìm đến ngôi mộ của Lộc thắp hương tưởng nhớ em tôi.

Vào một buổi sáng trước ngày kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, từ Hà Nội, tôi nhận được điện thoại của nhà báo Vân Anh. Giọng em xúc động: "Anh ơi! Lúc này đây, em cùng với một người bạn nữa đang đứng trước mộ anh Lộc... Em lên nghĩa trang thắp hương cho anh Lộc hôm nay vì đúng ngày 27-7, em bận đi công tác, sợ không lên được. Người ta đã trồng lại cây đại cạnh mộ anh Lộc rồi anh ạ".

Trước mắt tôi hiện ra ngôi mộ Lộc, dưới ngôi sao vàng là bó hồng đỏ thắm, bên cạnh là cây đại non đang bén rễ. Bóng cô gái trẻ nghiêng nghiêng trên mộ. Em tôi đang nằm dưới bầu trời xanh bồng bềnh mây trắng.

Mây trắng cuộn về từ cõi xa xanh...

Hồ Quang Lợi
Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mây Trắng đồi 82

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.