(HNM) - Sau các cuộc hội đàm tại Brussels (Bỉ) với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Thường trực Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy, tối 18-11, Thủ tướng Anh David Cameron đã tới Berlin để thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về các vấn đề liên quan tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Thủ tướng Anh D.Cameron và Thủ tướng Đức A.Merkel tại cuộc họp báo tối 18-11. |
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Anh và Đức đã cố gắng đưa ra những tuyên bố tích cực, khẳng định sự nhất quán trong nhiều chủ đề như tầm quan trọng của thị trường chung thống nhất ở châu Âu, sự cần thiết phải thắt chặt kỷ luật ngân sách hay các quốc gia thành viên phải kiểm soát nợ và tình trạng thâm hụt ngân sách… Tuy nhiên, sự đồng thuận trong nhiều vấn đề mang tính hình thức không đủ để che lấp những khác biệt trong quan điểm về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang gây chia rẽ giữa các nước trong Eurozone do Đức, Pháp dẫn đầu với những nước không sử dụng đồng euro mà Anh là đại diện tiêu biểu.
Là nước thành viên EU không sử dụng đồng euro, Anh lo ngại các kế hoạch thúc đẩy sự hội nhập trong Eurozone gồm 17 thành viên sẽ khiến cho 10 nước EU khác không sử dụng đồng tiền chung này bị gạt ra ngoài tiến trình hoạch định chính sách của EU, đặc biệt là các quyết định có thể tác động đến thị trường duy nhất. Theo Thủ tướng D.Cameron, hiện đang tồn tại một mối nguy hiểm là những nước không thuộc Eurozone có thể phải chứng kiến các nước thành viên của Eurozone bắt đầu đưa ra các quyết định làm ảnh hưởng đến thị trường chung này. Người đứng đầu Chính phủ Anh cho rằng cần phải có một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nước châu Âu, kể cả những nước không thuộc Eurozone. Trong khi đó, Eurozone lại tỏ ra thất vọng về thái độ hờ hững của Anh trước cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Lục địa già. Việc các nước không sử dụng đồng euro liên tục đổ lỗi cho Eurozone về vũng lầy tài chính trong khu vực đang khiến 17 nước thành viên Eurozone - vốn đang suy yếu vì lỗ thủng ngân sách ngày càng loang rộng - mất dần kiên nhẫn.
Những nút thắt hiện nay giữa Eurozone và phần còn lại của EU được thể hiện rõ trong nội dung cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh D.Cameron và Thủ tướng Đức A.Merkel. Khi ông chủ số 10 phố Downing khẳng định, khu vực đồng euro phải sử dụng tất cả các thể chế của mình để chống khủng hoảng, thì "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" năm 2011 lại cho rằng, nhiệm vụ này cần được giải quyết từng bước một nhằm tránh gây thất vọng cho các nhà đầu tư. Một chủ đề được cả Đức và Pháp ủng hộ là đánh thuế các giao dịch tài chính cũng không nhận được sự hưởng ứng tích cực của ông D.Cameron do lo ngại loại thuế này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tài chính London. Ngoài ra, Anh và Đức cũng không có tiếng nói chung về vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Anh mong muốn cơ quan này phải tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết khủng hoảng, trong khi Đức lại muốn hạn chế sự can thiệp của ECB đối với thị trường.
Bất đồng giữa các thành viên EU gia tăng đúng thời điểm Tây Ban Nha - một quốc gia được liệt vào nhóm 5 nước có nền kinh tế đáng lo ngại của Cựu lục địa (hay còn gọi là nhóm PIIGS gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha) - tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 20-11. Sau sự kiện này, Thủ tướng Jose Luis Zapatero - thủ tướng cuối cùng trong nhóm PIIGS được cho là sẽ phải rời bỏ quyền lực vì sức ép từ khủng hoảng nợ công. Người đại diện cho đảng Xã hội của ông ra tranh cử là Alfredo Pérez Rubalcaba cũng khó có thể giành được thắng lợi. Tuy nhiên, sự thay đổi về mặt chính trị này chưa chắc đã mang lại viễn cảnh tươi sáng cho nền kinh tế ở xứ Bò tót. Mối lo Tây Ban Nha sẽ theo chân Hy Lạp ngày càng gia tăng khi nợ công của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu này đã lên tới 700 tỷ euro, chiếm khoảng 67% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong bối cảnh như vậy, mâu thuẫn nội khối EU gia tăng sẽ đe dọa những nỗ lực giải quyết khủng hoảng tài chính khu vực và sẽ là bóng đen che phủ Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến tổ chức vào ngày 9-12 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.