Thế giới

Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone): Còn nhiều “cơn gió ngược”

Quỳnh Dương 01/08/2024 - 16:33

Dù nỗ lực phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các cuộc xung đột, song tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục ảm đạm trong quý 2.

Trong đó Đức - đầu tàu kinh tế - vẫn trong tình trạng trì trệ. Điều này không khỏi khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về sự tụt hậu của kinh tế khu vực.

ba.jpg
Doanh số bán ô tô tại Eurozone tăng 4,3% song vẫn thấp hơn so với trước đại dịch. Ảnh: Bloomberg.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong quý 2 vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0,3%. Đây là mức tăng ảm đạm ghi nhận sau thời gian dài GDP loanh quanh ở ngưỡng 0% do lạm phát leo thang khiến sức mua của người tiêu dùng giảm.

Tây Ban Nha được đánh giá tiếp tục là động lực tăng trưởng của khu vực với tốc độ 0,8%. Trong khi Pháp chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3% nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng 0,6% và sự phục hồi trong đầu tư của doanh nghiệp. Chi tiêu của người tiêu dùng nhìn chung ổn định, tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 6, chỉ số này đã giảm 0,5% do các hộ gia đình tiêu thụ ít thực phẩm và năng lượng hơn.

Nền kinh tế Italia giảm nhẹ xuống 0,2%, song vẫn khả quan hơn tình hình tại Đức. Cơ quan thống kê của Italia cho biết, GDP nước này được thúc đẩy bởi sản lượng chung tăng. Điều này giúp bù đắp cho các lĩnh vực yếu hơn như nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá, vốn bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt trong suốt thời gian qua.

Tốc độ GDP của Đức được xác định quay trở lại tình trạng quy thoái (-0,1%) và được xem như mắt xích yếu của Eurozone. Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này có thể sẽ kéo dài hơn dự đoán do tác động đan xen của bên ngoài và các yếu tố bên trong. Đặc biệt, ngành công nghiệp, vốn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, gần đây phát triển yếu. Đơn đặt hàng giảm và sản xuất đi xuống chủ yếu do nhu cầu từ nước ngoài ít hơn. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân tiếp tục không đạt được như kỳ vọng. Mặc dù các hộ gia đình có thu nhập cao hơn vì tiền lương đang tăng nhanh hơn giá cả, nhưng thay vì chi tiêu, họ lại tiết kiệm nhiều hơn. Nhiều dự đoán cho rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhẹ trở lại trong năm nay, tuy nhiên nhiều chỉ số cho thấy tình hình sẽ không cải thiện sau quý 2.

Đánh giá bức tranh tổng quan của toàn Eurozone, các chuyên gia cho rằng, không có nhiều dấu hiệu khả quan khi chỉ số sản xuất dịch vụ (PMI) của Eurozone đã giảm vào tháng 6 và tháng 7. Các doanh nghiệp đã trở nên bi quan hơn về tình hình kinh doanh trong những tháng gần đây và thời gian tới, khi các đơn đặt hàng tiếp tục yếu. Điều này không tạo nên khởi đầu tốt cho quý thứ ba.

Một phần vấn đề của châu Âu là nhu cầu yếu, đầu tư thấp và tình trạng nhiều doanh nghiệp giữ lao động nhiều hơn cần thiết do lo ngại khó tuyển được người khi nhu cầu phục hồi. Những yếu tố này xuất phát từ chỉ số niềm tin thấp của người tiêu dùng châu Âu. Tỷ lệ tiết kiệm ở Eurozone hiện nay là 14% thu nhập, cao hơn mức bình quân lịch sử. Các chính phủ cũng đang bắt đầu hạn chế chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách.

Lãi suất cao hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giúp giảm lạm phát từ 10,6% vào tháng 10-2022 xuống còn 2,5% vào tháng 6 nhưng cũng kìm hãm hoạt động xây dựng và dập tắt đợt tăng giá nhà kéo dài nhiều năm. Doanh số bán ô tô mới tăng 4,3% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn khoảng 18% so với mức trước đại dịch.

Ngày 31-7, ông Thomas Obst, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Kinh tế Đức ở Cologne cho biết, những “cơn gió ngược” đã dịu đi, nhưng châu Âu phải đối mặt với những tác động dai dẳng khi các thỏa thuận lao động mới hình thành với mức lương cao hơn và các khoản hỗ trợ thanh toán của chính phủ nhằm mục đích xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng đang dần được loại bỏ.

Trong khi đó, nhà kinh tế Salomon Fiedler tại Ngân hàng Berenberg cho biết, tăng trưởng của châu Âu bị kìm hãm bởi các yếu tố dài hạn như thuế suất cao hơn và quy định nặng nề khiến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trung bình hằng năm thấp hơn ít nhất 1% so với Mỹ.

ECB thừa nhận, sự phục hồi chậm chạp của khu vực này vẫn dễ bị tổn thương trước bất kỳ rủi ro nào bắt nguồn từ leo thang căng thẳng thương mại hoặc địa chính trị. Các chính sách kinh tế tiếp theo đối với khu vực sẽ được quyết định tại hội nghị của ECB diễn ra vào tháng 9 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone): Còn nhiều “cơn gió ngược”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.