(HNM) - Sau 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của hệ thống hành chính các cấp đã thông thoáng, hiệu quả và thân thiện với người dân hơn. Nhiều bộ, ngành đã xây dựng và ban hành quy chuẩn về CCHC các tỉnh, thành phố lớn đã tích cực triển khai và có tiến bộ vượt bậc về kết quả CCHC.
Kiên trì thực hiện và coi CCHC là một trong các khâu đột phá với 4 nội dung cơ bản, đến nay, hệ thống hành chính ở Thủ đô đã có sự chuyển biến tích cực về hiệu quả hoạt động. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã chỉ đạo rà soát 1.482 văn bản quy phạm pháp luật, ban hành trên 300 văn bản mới áp dụng thống nhất trên toàn thành phố. Hà Nội đã thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) ở 3 cấp với 1.816 thủ tục; tỷ lệ đơn giản hóa TTHC đạt 71,2% - mức rất cao, vượt hơn 2 lần so với yêu cầu của Chính phủ. Đến nay, 100% đơn vị đã xây dựng nội quy, quy chế thực hiện các quy định về công khai TTHC tại bộ phận "một cửa". Một số kết quả nổi bật có được nhờ CCHC thể hiện rõ trên các lĩnh vực như hải quan, thuế, tư pháp…
Thực tế cho thấy chất lượng CCHC có tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, thành công của CCHC phụ thuộc vào chất lượng cán bộ và điều kiện cần thiết để hình thành văn hóa ứng xử, coi sự hài lòng của công chúng là thước đo cuối cùng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền. Thể chế hành chính, văn bản pháp quy dẫu có đơn giản, thông thoáng, minh bạch, khoa học đến mấy nhưng áp dụng vào cuộc sống cũng phải thông qua con người. Về điểm này, chưa thể nói là chúng ta đã có thể yên tâm. Theo thống kê, trong thời gian chuyển giai đoạn I và II của chương trình CCHC, hàng chục nghìn cán bộ, công chức đã chuyển khỏi khu vực nhà nước vì lý do thu nhập mà trong đó có nhiều người thuộc bộ máy hành chính. Những số liệu khác cho thấy một bộ phận khá lớn công chức chưa qua đào tạo về quản lý, nhiều cán bộ chính quyền cơ sở chưa được đào tạo đủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ… Những yếu tố nói trên đã làm hạn chế hiệu quả CCHC và thực hiện CCHC để phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước trên phạm vi cả nước, trong đó Hà Nội dù là địa phương chọn CCHC là khâu đột phá nhưng cũng không phải là ngoại lệ. Hà Nội vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp; vấn đề tổ chức bộ máy và phân công, phân cấp quản lý ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, chưa khoa học, chưa hợp lý… Trên thực tế, có những vấn đề đã quy định cụ thể, thủ tục thông thoáng nhưng do nhận thức, thói quen từ cơ chế xin - cho nên một bộ phận cán bộ, công chức hành chính lại "khó khăn hóa" sự việc, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả thu hút đầu tư.
Hiện nay, CCHC vẫn là một trong hai khâu đột phá của Hà Nội mà nội dung vẫn tập trung vào 4 lĩnh vực, trong đó xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng khẳng định: công tác CCHC phải cụ thể, thiết thực, quyết liệt về một số nội dung, trong đó có tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Để đạt được điều đó, Hà Nội cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp, quan trọng là bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm và cả kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức với số lượng phù hợp; tăng cường thanh tra công vụ, kiểm soát đầu mối công việc để hạn chế nguy cơ dẫn đến tiêu cực và ngăn chặn tình trạng "khó khăn hóa" TTHC.. Một việc khác, quan trọng không kém, là kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức có thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ… Có như vậy các mục tiêu CCHC của thành phố mới sớm thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.