Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mảng sáng nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn| 25/03/2013 06:37

(HNM) - Quý I của năm 2013, với những khó khăn tiếp tục xuất hiện, gánh nặng vẫn đè lên vai cộng đồng doanh nghiệp...

Quý I, tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn Hà Nội tăng 7,5%. Tuy tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với yêu cầu kế hoạch năm của thành phố, nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, một số ngành còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng tồn kho nhiều nên chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất thuốc lá, trang phục, sản phẩm từ cao su và plastic, giường tủ, bàn ghế... Nhìn chung, sản xuất công nghiệp hiện chưa thoát khỏi tình trạng trầm lắng mặc dù giai đoạn gian khó nhất được xác định có thể đã qua, manh nha xuất hiện những điều kiện thuận lợi hơn cho DN khôi phục sản xuất.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,439 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ, là mức tăng rất thấp, càng thấp hơn so với mức tăng trung bình của cả nước. Nguyên nhân là do nhu cầu của thị trường nước ngoài giảm sút, nhất là tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và đặc biệt là sự ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế ở Châu Âu. Tính chung, 5/11 ngành hàng xuất khẩu giảm là nông sản, điện tử, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, xăng dầu (giảm 40,8%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh. Tuy nhiên, đã xuất hiện diễn biến mới là một số nhóm trước đây có giá trị xuất khẩu giảm nay đã tăng mạnh trở lại như hàng dệt may tăng 13,7%, nhóm hàng giày dép và sản phẩm từ da tăng 24,5%… Các DN đang hy vọng ở sự hồi phục với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới để tận dụng cải thiện tình hình sản xuất, xuất khẩu.

Quý I, có thêm 61 dự án đầu tư nước ngoài vào Hà Nội. Ảnh: Yến Ngọc


Theo một số chuyên gia, kết quả ở mức rất khiêm tốn nói trên chưa thể hiện được sức mạnh kinh tế Hà Nội, với nguồn lực tổng hợp lớn hơn hẳn so với nhiều địa phương khác. Vấn đề đặt ra là mỗi DN cần tìm ra hướng đi của mình, nhất là trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ kết hợp với việc đổi mới sản phẩm theo hướng đa dạng hóa chủng loại và nâng cao chất lượng. Hoạt động xúc tiến thương mại cần được quan tâm thực chất với những cách làm sáng tạo để tạo điều kiện cho các đơn vị có bước đột phá trong xuất khẩu.

Thị trường nội địa, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,6% so cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%). Theo Cục Thống kê Hà Nội, đây là tỷ lệ tăng thấp trong nhiều năm qua chủ yếu do sức tiêu thụ của người dân không cao như các năm trước bởi tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều DN đình trệ, thu nhập của người lao động không đáp ứng được nhu cầu, nảy sinh tâm lý thắt chặt chi tiêu.

Bức tranh kinh tế Thủ đô có mảng màu sáng nhất là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Quý I, Hà Nội thu hút thêm 61 dự án đầu tư nước ngoài, gồm dự án cấp phép mới và tăng vốn, với tổng vốn đăng ký là 149 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, tăng 1,6 lần về số dự án và tăng 25,2% về vốn đăng ký. Đây lại là diễn biến "trái chiều" so với xu hướng giảm sâu về thu hút vốn mới của cả nước. Theo các chuyên gia, Hà Nội vốn là địa phương có trình độ phát triển hàng đầu về công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực nên thường "kén" dự án đầu tư. Từ đó có những yêu cầu khá khắt khe về công nghệ, lựa chọn ngành, lĩnh vực nên không phải dự án nào cũng được chấp nhận, nhất là dự án đó áp dụng công nghệ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, yêu cầu diện tích lớn. Hà Nội vẫn kiên trì quan điểm này, phù hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định hướng thu hút vốn nước ngoài theo tiêu chí nâng cao chất lượng và xem xét sự đóng góp tổng thể của dự án đối với các mặt liên quan đến đời sống KT-XH.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mảng sáng nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.