(HNM) - Những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra thời gian gần đây tiếp tục gây hoang mang, lo lắng trong xã hội.
Trẻ em cần được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn. Ảnh: Hà Hiền |
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em chưa giảm, trong khi nước ta đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ để bảo vệ trẻ em?
- Hiện tại, Nhà nước đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm tố cáo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Người tố giác và nạn nhân được giữ bí mật tuyệt đối về thông tin, được pháp luật bảo vệ. Do đó, thông tin tố cáo, tố giác về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng lên và số vụ việc được đưa ra ánh sáng nhiều hơn.
Cụ thể, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Phần lớn vụ việc được phát hiện đều có tính chất nghiêm trọng. Riêng năm 2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 1.481 vụ với 1.620 bị cáo phạm tội xâm hại trẻ em; xét xử, giải quyết 1.439 vụ với 1.569 bị cáo, đạt tỷ lệ 97,2% về số vụ và 96,8% về số bị cáo. Tại các địa phương, quá trình rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em cũng được các cơ quan chức năng triển khai bài bản, nghiêm túc.
Tuy nhiên, qua các kênh thông tin, chúng ta dễ dàng nhận thấy, số vụ việc có tính chất bạo lực, xâm hại trẻ em chưa giảm. Chẳng hạn, từ năm 2016 trở về trước, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận khoảng 300.000 cuộc gọi/năm, trong đó có khoảng 800 ca cần tư vấn về bạo lực, xâm hại. Năm 2018, số cuộc gọi đến tổng đài và số ca cần can thiệp, hỗ trợ tăng khoảng 2-3 lần so với năm 2016. Đáng lưu ý, đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, quen với 21,3% là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ hàng; 6,2% là thầy giáo, nhân viên nhà trường; 59,9% là người quen, hàng xóm. Thủ phạm là người lạ chỉ chiếm 12,6%.
Từ dẫn chứng nêu trên có thể nhận định, nhiều người lớn, kể cả những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em còn mỏng…
- Các cơ quan chức năng đã làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo lực, xâm hại, thưa ông?
- Ngoài việc thực hiện tốt Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan, các ngành, địa phương còn triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng tài liệu tập huấn về quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Bộ Giáo dục và Đào tạo trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi có nguy cơ dẫn đến bạo lực, xâm hại ở học đường. Bộ Y tế tập huấn kiến thức thực hành cho cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ tiếp nhận, khám, sàng lọc, điều trị, chăm sóc, tư vấn... trẻ em bị bạo lực, xâm hại; đồng thời, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp trẻ em bị xâm hại. Bộ Công an đã hoàn thiện tài liệu tập huấn về công tác điều tra thân thiện, góp phần nâng cao hiệu quả điều tra và giảm tổn thương cho nạn nhân là trẻ em. Cùng với đó, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành công tác trẻ em cấp tỉnh, huyện; ban bảo vệ trẻ em cấp xã; chủ động nhân rộng mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em...
- Theo ông, sự thiếu hụt về con người, tài chính cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần được khắc phục như thế nào?
- Toàn quốc hiện mới có 116 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp tỉnh; 42 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp huyện; 4.713 điểm tham vấn tại trường học; 2.434 điểm tham vấn cộng đồng. Hệ thống dịch vụ và đội ngũ cán bộ hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo hướng toàn diện, hiệu quả. Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí nguồn ngân sách; các xã, phường, thị trấn phải bố trí ít nhất một cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trên tinh thần đó, Cục Trẻ em đã khảo sát và nhận thấy, đối tượng thích hợp nhất đảm nhận trọng trách này là nhân viên công tác xã hội. Khi chưa có nhân viên công tác xã hội, các địa phương nên phân công cán bộ Hội Phụ nữ hoặc Đoàn Thanh niên đảm nhiệm. Quy trình bảo vệ trẻ em khá phức tạp, cho nên cán bộ chuyên trách về trẻ em cấp xã có thể gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, hướng dẫn về cách thức hoạt động...
Với sự nỗ lực từ nhiều phía, tôi hy vọng mạng lưới bảo vệ trẻ em sớm mở rộng, phát triển đến cấp thôn, làng, ấp, bản, có sự tham gia của mọi người, mọi nhà.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.