Xã hội

Phòng, chống bạo lực gia đình: Kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả

Triệu Sơn 19/11/2023 - 06:40

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là các mô hình phòng, chống bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái, mang lại hiệu quả thiết thực.

Các mô hình này là nòng cốt trong việc vận động toàn xã hội quan tâm nhiều hơn đến người phụ nữ, đẩy lùi nạn bạo lực gia đình trong mỗi nếp nhà, mỗi tổ dân phố, xóm, làng...

bao-luc-gia-dinh.jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc triển khai nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Bạo lực gia đình xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội cơ bản, không phân biệt khu vực, văn hóa, thu nhập, mức sống, tuổi tác, địa vị..., gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.

Chính vì thế, nhiều năm qua, với vai trò nòng cốt trong công tác bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã nhân rộng, xây dựng mô hình mới về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, như Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; các tổ tư vấn pháp luật, nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; các mô hình "Làng quê an toàn", "Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái", "Nhà trọ an toàn", "Chung cư an toàn", "Gia đình nói không với bạo lực"... Hội cũng đã tổ chức cuộc thi online "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em" trên trang fanpage của Hội với hơn 23 nghìn người tham gia...

"Không bạo lực gia đình" là một trong 8 tiêu chí của Cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không 3 sạch" được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) triển khai thực hiện có hiệu quả trong những năm qua. Có nhiều nhà chung cư cao tầng, dân trí tương đối cao nên trong những năm qua, trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc không xảy ra các vụ mâu thuẫn lớn. Các cấp hội phụ nữ thường xuyên phối hợp với hệ thống chính trị khu dân cư nhằm quan tâm, nắm chắc tình hình thực tế, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn tại các gia đình, từ đó đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý.

Chị Phạm Thị Cúc Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc tâm sự: "Phần lớn nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là do các ông chồng cậy mình là trụ cột nên sẵn sàng bạo hành vợ con khi không vừa ý. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là khuyên nhủ người gây ra bạo lực, mà còn đưa ra cách làm thực sự hiệu quả để chấm dứt những hành vi đó”.

Một ví dụ điển hình là trường hợp gia đình chị P.T.Y., vì ghen tuông vô lý nên người chồng đã có hành vi bạo hành tinh thần vợ, dẫn tới xung đột trong thời gian dài và vợ chồng ly thân. Ngay khi biết được sự việc, Hội đã gặp riêng chị Y. để tìm hiểu rõ nguyên nhân mâu thuẫn. Cán bộ Hội đã trò chuyện, tâm sự với chồng chị Y., giải thích cho anh thấy sự ghen tuông ấy là vô lý và tạo điều kiện để hai vợ chồng nói chuyện thẳng thắn. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, chồng chị đã hiểu ra và xin lỗi vợ. Đến nay cuộc sống gia đình chị Y. đã êm ấm trở lại. Một trường hợp khác đã được Hội giúp đỡ là gia đình chị V.T.K.L.

"Trường hợp này thực sự rất khó vì chồng chị L. là cán bộ về hưu nhưng có tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", không thông cảm với vợ đã sinh 3 con gái mà đòi hỏi phải có con trai nối dõi. Tệ hơn, anh đã có mối quan hệ bên ngoài, sinh thêm 3 con (1 gái, 2 trai) nhưng vẫn về nhà quấy phá vợ con. Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ hoàn cảnh gia đình và tư vấn để chị L. có được lợi ích về kinh tế phù hợp khi ly hôn" - chị Tú chia sẻ.

Trong số những mô hình hoạt động hiệu quả, không thể không nhắc đến mô hình điểm "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" (nơi trú ẩn khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới) được triển khai thí điểm từ tháng 8-2018 tại số 360 Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội. Sau 3 năm (từ 2018 đến 2020), mô hình đã hỗ trợ 6 vụ việc, 73 cuộc hỗ trợ qua điện thoại. Năm 2022, mô hình đã hỗ trợ 3 vụ, 25 cuộc hỗ trợ qua điện thoại. Từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình đã hỗ trợ 1 vụ, 8 cuộc hỗ trợ qua điện thoại...

Theo chị Trịnh Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm, các nạn nhân được tư vấn về tâm lý, pháp luật cơ bản, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu về tạm lánh khẩn cấp và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. Sau đó, các đội ngũ cán bộ, cộng tác viên sẽ hỗ trợ họ trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi bảo đảm đủ an toàn và tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, ngăn chặn bạo lực không tái diễn. "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" còn có hai đường dây nóng giúp các nạn nhân của bạo lực gia đình có thể liên hệ khẩn cấp 24/24 giờ nhằm kịp thời ứng phó.

bao-luc-gia-dinh-1.jpg
Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.

Tuyên truyền từ nam giới

Thực tế cho thấy, hầu hết hành vi bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái đều xuất phát từ nam giới, chính vì thế, việc phường Việt Hưng (quận Long Biên) thành lập "Câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình", được coi là cách làm mới, phù hợp với tình hình thực tế.

Theo chị Trần Thị Thái Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Việt Hưng, Câu lạc bộ gồm các thành viên là chồng, con hội viên phụ nữ, hội viên danh dự Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Việt Hưng. "Câu lạc bộ là tổ chức do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Việt Hưng thành lập nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn phường, góp phần nâng cao nhận thức, loại bỏ hành vi bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Mục tiêu của Câu lạc bộ là tập hợp nam giới trong các gia đình, hội viên danh dự, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp, có nhu cầu tham gia sinh hoạt để giao lưu học hỏi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tăng cường vai trò của nam giới trong phòng ngừa bạo lực gia đình; góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".

Theo anh Bùi Minh Hoàng, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Việt Hưng, Ủy viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, từ khi thành lập cho đến nay (từ tháng 6-2023), Câu lạc bộ đã tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, lồng ghép nội dung này trong các hoạt động ở tổ dân phố.

"Xác định "phòng" hơn "chống" bạo lực gia đình nên chúng tôi không lơ là, mất cảnh giác mà phòng ngừa từ sớm bằng các biện pháp tuyên truyền đa dạng, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng số thành viên để tạo nên mạng lưới rộng khắp bảo vệ người phụ nữ trong mỗi gia đình" - anh Hoàng bày tỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bạo lực gia đình: Kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.