LTS:
LTS: "Mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là một cuộc đấu tranh để xây dựng cái mới và loại trừ cái cũ không còn phù hợp, là sự nghiệp mãi mãi của các thế hệ Việt Nam. Chúng ta khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi tiếp tục thực hiện con đường cách mạng vinh quang đó tới đích..." - đó là nội dung chính trong tham luận của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu gửi Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011). Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài tham luận quan trọng này.
Con đường cứu nước - Con đường đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành đảng viên
Sau khi tham gia phong trào nổi dậy chống sưu chống thuế ở Trung kỳ năm 1908, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và từ đó ra đi, giữa lúc các cuộc đấu tranh của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám thất bại, kế sách cứu nước còn mờ mịt chưa có đường ra. Có người thì muốn dựa vào Nhật nhưng Nhật là một “đế quốc da vàng”, có tham vọng lớn về đất đai, đã thỏa hiệp với Pháp đuổi hết những người Đông du ra khỏi Nhật. Có người muốn dựa vào Pháp để chống Pháp bằng đường lối bất bạo động… Dựa vào đế quốc để đánh đuổi đế quốc chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” mà thôi!
Điều kỳ lạ đầu tiên ở con người Hồ Chí Minh mà ngày nay và mai sau chúng ta còn cùng nhau tìm hiểu mãi, ấy là: Khi có người hỏi: Lấy gì mà ra đi, dựa vào đâu mà đi, thì Người đã giơ hai bàn tay: - Đây!
Cảng Sài Gòn những năm đầu tiên của thế kỷ XX, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
Từ đó, với hai bàn tay lao động và ý chí cứu nước mãnh liệt, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã làm bồi tàu, phụ bếp, rửa chén từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, sau đó học ngoại ngữ đến 11 giờ đêm, để 4 giờ sáng hôm sau lại bắt tay vào lao động. Người đã quét tuyết, đốt lò, làm thợ ảnh, quần quật làm thuê. Từ một thanh niên trong một gia đình nhà nho nghèo thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội thời ấy, Nguyễn Tất Thành chấp nhận sống một cuộc đời cùng khổ, bán sức lao động để kiếm sống và học tập trong một hoàn cảnh cực kỳ cay nghiệt trên đất người. Từ một kẻ mất nước, bơ vơ, trơ trọi, không nhà cửa, không gia đình, mẹ thì mất sớm, cha thì tha phương, Nguyễn Tất Thành trở thành một công nhân đích thực, có học vấn, tự tin và kiên cường bước vào hàng ngũ đấu tranh của các chiến sĩ xã hội. Từ một người dân thuộc địa chỉ biết đế quốc xâm lược và phong kiến bạo tàn, Nguyễn Tất Thành đã nhận ra rằng: Đâu đâu cũng có hai loại người, những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, dù khác màu da, khác tiếng nói, lớp người cùng khổ tất cả các nước đều là anh em. Nhờ sống với giai cấp công nhân và lớp người cùng khổ trong xã hội tư bản, Nguyễn Tất Thành hiểu được thực chất cái gì ẩn sau lá cờ “tự do, bình đẳng, bác ái” và không để cho những cái bên ngoài phô trương hào nhoáng lừa dối mình. Nguyễn Tất Thành đã tự mình chiến đấu vượt qua những hạn chế để khẳng định mình, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, đem tiếng nói tràn đầy sức sống, làm cho người nghe đồng cảnh ngộ yêu mến, buộc những kẻ cơ hội, xu thời phải nể trọng. Không ai giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng. Chính cuộc đời lao động, học tập, chiến đấu bất khuất suốt 10 năm tìm đường cứu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa cộng sản, đến với Đảng Cộng sản, làm nền tảng định hình bản chất cộng sản của Người, đào tạo Người trở thành một chiến sĩ quốc tế của giai cấp công nhân và của các dân tộc bị áp bức.
Giữa lúc dân tộc ta như một kiếp người cơm vãi cơm rơi, biết đâu nẻo đất phương trời mà đi, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra chân lý vĩ đại: Muốn cứu nước, không có con đường nào khác, ngoài cách mạng vô sản.
Nguyễn Ái Quốc là hiện thân con đường hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường cách mạng Việt Nam.
Người đã tự mình chứng kiến và không chỉ chứng kiến, mà đã phải sống dưới “lưỡi lê của nền văn minh tư sản”, phân rõ dân tộc và thuộc địa, tư bản và vô sản. Tin tưởng vững chắc ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng, Người là tấm gương mẫu mực phấn đấu trở thành một người cộng sản suốt đời trung thành với lý tưởng yêu nước và xã hội chủ nghĩa.
10 năm cực kỳ gian khổ, vật lộn trong chế độ áp bức bóc lột, kiếm sống và học tập, Người đã kiên cường đấu tranh phê phán những xu hướng cơ hội đang lũng đoạn trong hàng ngũ cách mạng. 10 năm nung nấu lý tưởng yêu nước và chủ nghĩa xã hội, chính 10 năm đó đã đặt nền móng để trở thành, để có được một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kiên định, chung thủy, trước sau như một, từ thuở mới làm cộng sản cho đến phút cuối cùng của đời, một lòng vì giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng và những người cùng khổ, vì nhân dân và dân tộc.
Con đường cứu nước mà Người tìm đến cũng là con đường rèn luyện tư cách cách mệnh, tư cách của người cộng sản. Điều đó gợi cho ta con đường tu dưỡng bản thân để trở thành, để giữ vững, để xứng đáng là đồng chí của Người, chiến sĩ cộng sản. Với riêng tôi, điều đó đã giúp tôi hàng ngày tự hỏi: Mình đã phấn đấu để trở thành một người cộng sản như thế nào? Thái độ của mình đối với giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động, những trí thức cách mạng, bà con dân tộc ít người, tầng lớp nền tảng của xã hội ta đang phải sống vất vả, đau ốm, thiếu thuốc men, thiếu sách vở và trường lớp, thiếu kiến thức và nghề nghiệp như thế nào? Mình phải tiếp tục rèn luyện như thế nào để mãi mãi giữ vững tư cách cách mệnh của người chiến sĩ cộng sản nồng nàn yêu nước?
Không có tư cách cách mệnh của người chiến sĩ cộng sản thì không thể nào đi tiên phong trong sự nghiệp cứu nước, không thể nào vì dân, vì giai cấp công nhân và lớp lớp cần lao bần hàn đau khổ, tận tâm và đến cùng.
Hồ Chí Minh với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Chủ nghĩa Mác ra đời, kế thừa tinh hoa của nhân loại, kết hợp với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, từ đó giai cấp công nhân tự giác bước lên vũ đài đấu tranh chính trị nhằm đập tan chế độ tư bản và xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Cũng như vậy, tư tưởng nhân văn đã có từ lâu, nhưng chỉ đến khi chủ nghĩa Mác - Lê nin ra đời, đề cập mục tiêu và con đường giải phóng toàn diện và triệt để con người, mà đông đảo là những tầng lớp cần lao và các dân tộc bị áp bức, thì các giá trị nhân văn mới có sự phát triển hoàn chỉnh và sâu sắc nhất.
Lê nin kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, bằng nghị lực phi thường và trí tuệ uyên bác đã đánh một đòn sấm sét vào tư tưởng xét lại cơ hội, hữu khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế hòng bao che cho chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Lê nin đưa ra phát kiến: cách mạng vô sản có thể thắng lợi ở khâu yếu nhất trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể giành thắng lợi trong một nước. Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, Đảng của giai cấp công nhân lớn mạnh nhất trong các Đảng Công nhân hồi ấy đã lãnh đạo nhân dân Nga làm Cách mạng Tháng Mười, thiết lập Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết trên một phần sáu quả địa cầu, mở ra thời đại mới: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Lê nin là người đầu tiên nhấn mạnh vai trò của cách mạng giải phóng dân tộc, coi cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận hợp thành của cách mạng vô sản và đề ra khẩu hiệu chiến đấu: Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại.
Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin như người đi đường đang cơn khát mà tìm được nước. “Đây là cẩm nang để cứu sống đồng bào tôi”.
Hồ Chí Minh đã học tập, truyền bá, kế thừa, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin vào phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào đấu tranh giành giải phóng của các dân tộc bị áp bức.
Chủ nghĩa Mác đã chỉ ra con đường để giai cấp vô sản nắm lấy ngọn cờ dân tộc, phải trở thành dân tộc, phải giành thắng lợi trước hết trên địa bàn dân tộc, thông qua đấu tranh giai cấp - cách mạng xã hội - để tước đoạt quyền bính từ tay giai cấp tư sản và do đó giải phóng được giai cấp. Giải phóng được giai cấp thì áp bức dân tộc cũng bị quét đi. Hồ Chí Minh, từ một kẻ mất nước giác ngộ chủ nghĩa cộng sản đã nhận thức rằng: trong thế giới thuộc địa, mâu thuẫn sâu sắc nhất là mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc. Người khẳng định: Phải tập trung toàn bộ sức lực của dân tộc để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc. Giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để giải phóng giai cấp, là thực hiện một bước quan trọng giải phóng giai cấp đặng tiến tới giải phóng hoàn toàn giai cấp, giải phóng loài người.
Chủ nghĩa Mác nhận ra lực lượng vĩ đại, lực lượng nòng cốt, lực lượng lãnh đạo để đánh đổ ách thống trị tư bản chủ nghĩa là giai cấp công nhân. Kế thừa chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Người viết: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”. Đồng thời, Người khẳng định: Trong cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc chính là lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc, với nòng cốt là công nông, nền tảng là công nông liên minh với trí thức.
Không có công nông làm nòng cốt, công nông liên minh với trí thức làm nền tảng thì không thể đoàn kết toàn dân tộc được. Có thể kể ra một thí dụ: Cụ Phan Bội Châu, yêu nước mãnh liệt vô cùng, dùng lời huyết lệ động viên nhân dân đứng lên chống giặc nhưng lại không nhắc đến công nhân. Lựa chọn học sinh đi Nhật du học, Cụ đưa ra bốn tiêu chuẩn: con nhà quan, con nhà giàu, con nhà có thế lực, con nhà có cựu thù. Không thấy Cụ đề ra con của công nông. Nhiệt huyết tràn đầy, nhưng Cụ không thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc, một động lực của đất nước mà Hồ Chí Minh nói đến là chủ nghĩa dân tộc do Đảng Cộng sản phát động. Lập trường cách mạng giải phóng dân tộc của giai cấp công nhân hoàn toàn khác hẳn lập trường giải phóng dân tộc của giai cấp phong kiến, lập trường giải phóng dân tộc của giai cấp tiểu tư sản và tư sản. Sự khác hẳn đó thể hiện ở mục tiêu trước mắt và mục tiêu tiếp theo của sự nghiệp giải phóng dân tộc, biện pháp và lực lượng tiến hành sự nghiệp đó.
Thời ấy, xu hướng quốc tế cho rằng: Cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa sẽ giành được thắng lợi sau khi giai cấp vô sản đã giành được thắng lợi ở chính quốc. Trải qua cảnh mất nước, với bạn bè cùng chí hướng ở các thuộc địa, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra lực lượng vĩ đại của những người cùng khổ và của các dân tộc bị áp bức. Người nói rằng: Nếu làm như vậy thì các đồng chí đánh chết rắn ở đằng đuôi. Các dân tộc thuộc địa có thể giành được thắng lợi trước khi giai cấp vô sản ở chính quốc lật đổ ách thống trị của tư bản; nhờ thắng lợi của mình, cách mạng ở thuộc địa có thể góp phần vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc.
Phân tích các mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, Hồ Chí Minh cho rằng: Trong khi phải tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng phản đế và phản phong và hai cuộc cách mạng ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, thì cần tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ phản đế. Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, còn nhiệm vụ phản phong thực hiện “người cày có ruộng” phải rải ra từng bước mà làm trong quá trình tiến hành nhiệm vụ phản đế.
Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vấn đề dân tộc quan hệ chặt chẽ với vấn đề dân chủ nhân dân. Không thúc đẩy nhiệm vụ dân chủ nhân dân thì không phát huy đến cao độ lực lượng dân tộc. Thực hiện “người cày có ruộng” là một vấn đề cốt tử, là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cuộc cách mạng vĩ đại ấy. Dù cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ở miền Bắc nước ta có phạm một số sai lầm trong quá trình thực hiện, nhưng thắng lợi của cải cách ruộng đất ở miền Bắc và thực hiện giảm tô, chia ruộng đất vắng chủ ở miền Nam trong kháng chiến là một thắng lợi cực kỳ to lớn. Xem nhẹ thắng lợi của sự nghiệp cải cách ruộng đất thực hiện “người cày có ruộng” là sai lầm về lập trường và quan điểm chiến lược.
Do đó, thắng lợi vĩ đại 30-4-1975 không chỉ là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là thắng lợi vĩ đại của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, cũng là thắng lợi vĩ đại của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ năm 1954. “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa... Thử thách cực kỳ nghiêm trọng của chiến tranh đã làm ngời sáng tính ưu việt và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội” (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV). Đánh giá thành tựu 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hồ Chí Minh nói: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới... Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách. Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể, đâu đâu cũng có trường học, nhà giữ trẻ, nhà hộ sinh, câu lạc bộ, sân và kho của hợp tác, nhà mới của xã viên. Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần ngày tiến bộ… những thành tích to lớn của miền Bắc ngày càng tỏ rõ chế độ xã hội chủ nghĩa là rất tốt đẹp và đang cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam”.
(còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.