(HNM) - Ngay đầu năm 2013, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã gửi văn bản đến các đơn vị nghệ thuật, thông báo sẽ tổ chức Liên hoan kịch của Lưu Quang Vũ.
Các đơn vị nghệ thuật đón nhận thông tin một cách hào hứng, chủ động chọn kịch bản, sắp lịch tập. Phải chăng, cái tên Lưu Quang Vũ sau một phần tư thế kỷ vẫn vẹn nguyên tính thời sự, đủ sức làm lay động người trong giới?
Nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã để lại cho kho tàng sân khấu Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị. |
Việc lựa chọn dàn dựng kịch bản của Lưu Quang Vũ hoàn toàn không phải là động thái có tính chất phủ định những cố gắng của đội ngũ tác giả đã và đang cống hiến cho sân khấu. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lý giải về lý do chọn kịch của Lưu Quang Vũ tổ chức Liên hoan mừng Ngày sân khấu Việt Nam năm nay: "Trong lịch sử sân khấu hơn 55 năm qua, Lưu Quang Vũ là một hiện tượng thực sự, xét cả về tài năng, số phận cũng như đóng góp cho đời sống sân khấu. Hội cũng sẽ tổ chức những hội thảo, ghi nhận đóng góp của cố tác giả này. Cho tới nay, Lưu Quang Vũ là người trẻ nhất trong hàng ngũ kịch tác gia Việt Nam được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Đã 25 năm qua kể từ ngày mất, kịch của ông vẫn được dựng, diễn, thậm chí vẫn được lựa chọn để các đơn vị nghệ thuật tham gia các cuộc thi tài. Gần đây nhất, Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại "Lời thề thứ chín", Nhà hát Kịch Hà Nội dựng "Ông không phải bố tôi", đều thu hút rất đông khán giả… Điều đó cho thấy, kịch Lưu Quang Vũ rõ ràng vẫn có sức hút, còn nguyên giá trị cho tới hôm nay".
Tiến sĩ Phan Trọng Thành, người đã làm luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu về kịch của Lưu Quang Vũ, đánh giá: Kịch bản của Lưu Quang Vũ đã chạm tới những giá trị bền vững trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Đó là tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu đất nước, tình đồng đội… những tình cảm bền vững trong tâm thức người Việt nói riêng, nhân loại nói chung. Kịch Lưu Quang Vũ có sức sống và luôn đạt tiêu chí của kịch bản hay. Ví dụ, "Hồn Trương Ba - da hàng thịt" có bối cảnh gắn bó mật thiết với người nông dân Việt Nam, mang đậm triết lý nhân sinh, có sự hòa hợp giữa nội dung và hình thức. "Ông không phải bố tôi" là một điển hình về mối quan hệ huyết thống mà ở thời đại nào người ta cũng quan tâm. Lưu Quang Vũ có tài phát hiện tình huống, xung đột, mâu thuẫn đang xảy ra trong hiện thực đời sống, nhưng ông không dừng lại ở việc giải quyết xung đột đơn lẻ, mà hướng tới việc phản ánh căn nguyên tư tưởng, triết lý xã hội ẩn sâu dưới những mâu thuẫn, xung đột.
Về tác động của liên hoan đối với đời sống sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, ngoài mục đích đánh giá lại thành tựu của Lưu Quang Vũ, liên hoan tạo cơ sở rút ra bài học cho các tác giả sân khấu hôm nay. Đó là điều cần thiết bởi hiện nay, nhiều tác giả vì bám quá sát vào tính thời sự nên vở thiếu tính nhân văn, tính triết học. Điều đó khiến giá trị kịch bản yếu, đời sống của vở diễn ngắn ngủi. Có những vở được đầu tư lớn, quảng bá rầm rộ nhưng chỉ sau vài buổi diễn báo cáo là "nhập kho", rất lãng phí.
Vừa dàn dựng lại vở "Ông không phải bố tôi" cho Nhà hát Kịch Hà Nội, Tiến sĩ Phan Trọng Thành tìm thấy ở việc dàn dựng một ý nghĩa khác. Trước đây, khi dàn dựng cho sinh viên sân khấu, ông tìm kiếm các giá trị mang tính thời sự như sự giải phóng cá nhân, những bấn loạn trong đời sống hiện thực đang thay đổi nhanh chóng ở thời điểm đó. Giờ đây, với sân khấu chuyên nghiệp, ông cố tìm tòi giá trị mang tính triết học, gắn với những thông điệp mới của cuộc sống ngày nay.
Trong kịch của Lưu Quang Vũ luôn có mối liên hệ giữa tính thời sự và tính lịch sử, những ý tưởng khái quát cuộc đời và con người nói chung. Chính vì thế, Lưu Quang Vũ đã trở thành hiện tượng của sân khấu Việt Nam hiện đại và các tác phẩm của ông sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển của sân khấu nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.