(HNM) - Với tinh thần tiếp tục lắng nghe và đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp, ngày 28-11, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị
Với tinh thần tiếp tục lắng nghe và đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp, ngày 28-11, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị "Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp năm 2016”. Tại đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã nghe và giải đáp cặn kẽ nhiều kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi đối thoại.Ảnh: Viết Thành |
Nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc hội nghị “Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp năm 2016”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 2016 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp (DN) và thu hút đầu tư trong phạm vi cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, thành phố tổ chức gặp mặt, đối thoại với những DN nhỏ và vừa, lắng nghe ý kiến các nhà quản lý DN. Đây là điểm rất khác biệt so với các cuộc đối thoại trước đây. (Toàn văn bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đăng trong số báo này).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, thành phố coi việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử là một trong những khâu đột phá. Các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN, như: Đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... luôn được ưu tiên hàng đầu. Hiện tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đã đạt 54% (vượt xa chỉ tiêu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ là 10-15%). Tỷ lệ DN kê khai, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Tỷ lệ đơn vị sử dụng trên 10 lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử các thủ tục bảo hiểm xã hội đạt trên 97%…
Cùng với đó, thành phố triển khai các nhóm giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN từ khi khởi nghiệp đến kinh doanh; triển khai chương trình “Kết nối ngân hàng - DN, với dư nợ ước tính đến ngày 31-12-2016 đạt 225,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,69 lần so với cuối năm 2015. Một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt được hưởng lãi suất ưu đãi 4-4,5%/năm. Trong lĩnh vực đất đai, UBND thành phố đã đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết 30-50%; áp dụng đồng bộ thời hạn giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư theo thời hạn hoạt động của dự án…
Lập tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc
Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Đỗ Quang Hiển đã nêu một loạt kiến nghị tới lãnh đạo thành phố. Theo ông Hiển, mặc dù thời gian đăng ký kinh doanh đã được rút ngắn, nhưng các thủ tục thay đổi cổ đông, ngành nghề, chuyển địa điểm kinh doanh còn rườm rà và mất thời gian... Đáng chú ý, hầu hết kiến nghị của DN đều liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, ưu đãi tiền sử dụng…
Trả lời nhóm kiến nghị này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt (gồm lãnh đạo các sở và Văn phòng UBND thành phố, bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2017) nhằm tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của DN trong vòng một tuần.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, UBND thành phố thấy rõ hoạt động của các đoàn xúc tiến thương mại ở nước ngoài không đạt hiệu quả; thậm chí các hợp đồng ký kết giá trị cũng nhỏ so với chi phí chuyến đi. UBND thành phố đã quyết định đầu tư 1 triệu USD trong năm 2017-2018 để quảng bá thương hiệu DN, sản phẩm của Hà Nội trên Kênh truyền hình CNN (Mỹ). Việc tổ chức đoàn xúc tiến thương mại cũng chỉ chọn các DN có nhu cầu tìm hiểu thị trường, chuyển giao công nghệ.
Liên quan đến việc các DN nhỏ và vừa khó tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng giải đáp, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ DN phát triển các sản phẩm linh kiện thế mạnh của Hà Nội; hỗ trợ nhóm sản phẩm có tính ứng dụng khoa học kỹ thuật; hỗ trợ sản phẩm gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Hiện kế hoạch này đang trình UBND thành phố ban hành trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đã trực tiếp giải quyết nhiều vướng mắc của DN. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ được thành phố kiến nghị với các bộ, ngành trung ương và trả lời DN bằng văn bản.
Triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
“Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tập thể lãnh đạo thành phố xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ hội nhập” - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định tại hội nghị. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, năm 2017, Hà Nội tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tạo chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Thứ hai, đồng hành cùng DN, hành động vì DN. Thứ ba, thực hiện các kế hoạch hỗ trợ DN khởi nghiệp, sau khởi nghiệp; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh. Thứ tư, tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để thực hiện các chương trình hỗ trợ DN. Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian cho DN trong quá trình hoạt động. Thứ sáu, cộng đồng DN, doanh nhân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, tinh thần hợp tác, phát triển bền vững...
Cùng với việc công bố các giải pháp, cam kết hỗ trợ DN, lãnh đạo thành phố cũng phát động Chương trình 1 triệu cây xanh; thu gom rác thải và cắt tỉa cây xanh theo hướng cơ giới hóa; thí điểm xử lý ô nhiễm nước hồ; triển khai quan trắc và quản lý vấn đề ô nhiễm không khí; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với bảo vệ môi trường. Lãnh đạo thành phố kêu gọi nhân dân Thủ đô, các DN, hiệp hội tích cực hưởng ứng và tham gia cùng thành phố, “Chung tay bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp”, xây dựng Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp GDP của Hà Nội tăng mạnh, 23.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới thể hiện nỗ lực của thành phố, thể hiện niềm tin với lãnh đạo thành phố. Song, vẫn còn một bộ phận công chức chưa thay đổi. Vì vậy, chuyển quyết tâm và tư duy mới của lãnh đạo thành phố đến công chức quận, huyện, xã, phường là yếu tố quyết định thành bại công cuộc cải cách thời gian tới. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Đỗ Quang Hiển: Nhiều cam kết tạo niềm tin cho doanh nghiệp Tôi đánh giá cao phần trả lời kiến nghị của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; rất rõ trách nhiệm, rõ thông tin, cũng như có nhiều cam kết tạo niềm tin, sự phấn khởi cho DN. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với câu trả lời của Chủ tịch về việc giảm gánh nặng thủ tục cho các DN và cam kết của thành phố sẽ giải quyết các kiến nghị của DN trong thời gian một tuần, thật sự được các DN ủng hộ, vui mừng... Châu Anh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.