(HNM) - Người dân Bình Dương thường gọi những
Là thành viên câu lạc bộ phòng chống tội phạm của các xã, phường, những "hiệp sĩ đường phố" bất chấp hiểm nguy đe dọa tính mạng, hàng ngày hàng giờ đối mặt với bọn tội phạm liều lĩnh, táo tợn, bắt quả tang hàng ngàn vụ cướp giật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại những "điểm nóng" về tội phạm ở Bình Dương.
Nhóm "hiệp sĩ" Bình Dương "họp" trước lúc đi tuần tra, bắt cướp. |
Còn sức còn bắt cướp
Với Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, thấm thoát đã 15 năm kể từ ngày anh tham gia bắt cướp lần đầu tiên, cũng nhờ đó mà "Đội săn bắt cướp ban ngày", tiền thân của CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, được hình thành. Đó là vào một ngày cuối năm 1997, đang đi đường, chợt thấy anh công an phường đang đuổi theo hai đối tượng đi xe máy và hô: "Cướp! Cướp", Hải liền quay đầu xe máy đuổi theo hai đối tượng kia. Phía trước có một ô tô chở khách chạy cùng chiều, hai tên cướp liền lạng lách vượt lên, trong khi đó chiếc xe khách lại đang ép sát vào vỉa hè, gây khó khăn cho việc truy đuổi. Bất chấp hiểm nguy, Hải cho xe phi lên vỉa hè, băng qua chiếc xe khách, đồng thời hô "Cướp! Cướp!" để tài xế xe cùng hỗ trợ, sau đó bắt gọn hai tên tội phạm giao cho công an xử lý… Hải nói, anh mãi không bao giờ quên được vụ bắt cướp đầu tiên này, vì từ đó mà cuộc đời của anh gắn với một cái nghề chẳng giống ai, đó là "săn bắt cướp"! Cũng cần phải nói thêm rằng, chính trong thời gian này Bình Dương bắt đầu vươn mình, phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lượng người tứ xứ đổ về tỉnh miền Đông Nam bộ này ngày càng nhiều, kéo theo tình hình tội phạm gia tăng, gây nhức nhối trong dư luận xã hội và người dân địa phương.
Trước tình hình đó, Hải đã mạnh dạn quy tụ những anh em có nghĩa khí thành lập "Đội săn bắt cướp ban ngày" dưới sự hỗ trợ của Công an phường Phú Hòa. Mỗi người một hoàn cảnh, người thì chạy xe ôm, sản xuất ống cống, đưa gas, tiếp thị, thợ sửa xe… nhưng những "hiệp sĩ" này cùng có chung chí hướng "giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha". Lúc đầu chỉ có vài người, sau đó phát triển lớn mạnh dần, có thời điểm quy tụ tới trên 20 thành viên. Trải qua gần 15 năm hoạt động, CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa dưới sự dẫn dắt của Hải đã có những thành tích đáng nể: Tay không bắt gần 1.500 vụ trộm cướp, trong đó có nhiều vụ gây án táo tợn như cướp taxi, xe máy, giật dây chuyền, móc túi trong lễ hội chùa Bà, người nước ngoài lừa đảo… với nhiều đối tượng liều lĩnh, hung hãn và sẵn sàng sử dụng "hàng nóng". Sau nhiều năm hoạt động, tay nghề và kinh nghiệm săn bắt cướp của các "hiệp sĩ" đã thành thạo chẳng kém so với cảnh sát hình sự.
"Nghề bắt cướp đã ăn vào máu từ vụ đầu tiên rồi, giờ muốn dứt ra cũng không được. Mỗi khi ra đường có đối tượng nào khả nghi là tôi theo ngay, hễ thấy chúng gây án là sẵn sàng hành động… Từ năm 1997 đến nay đã gần 15 năm rồi còn gì. Nếu sợ nguy hiểm, ngại gian khổ hay muốn từ bỏ công việc này để tập trung làm kinh tế tôi đã bỏ từ lâu rồi. Còn sức là tôi còn bắt cướp". Hải còn tâm sự rằng, bắt cướp cực lắm, để làm "hiệp sĩ", ngoài chất "thấy sự bất bình chẳng tha", dũng cảm hơn người, còn đòi hỏi có cả lòng kiên trì và khả năng chịu đựng gian khổ. Có vụ, Hải và đồng đội trong đó có cả cố "hiệp sĩ" Nguyễn Xuân Chinh (đã tử nạn khi truy đuổi tội phạm), phát hiện 4 đối tượng nghi vấn từ 8 giờ sáng, các anh đã theo chúng khắp cả thị xã Thủ Dầu Một. Thấy động, nhóm đối tượng này di chuyển lên tận huyện Bến Cát, cách khoảng 30km. Để tránh bị theo dõi, chúng ghé vào một nhà hàng lớn bên đường để ăn uống. Không bỏ cuộc, dù chỉ có chút ít tiền dắt lưng, nhóm "hiệp sĩ" bèn tìm quán nước gần đó ngồi uống trà đá, lót dạ bằng ổi, cóc, quyết rình bằng được lúc chúng gây án để bắt quả tang. Đến tận 4 giờ chiều, sau khi quan sát thấy một phụ nữ dựng chiếc xe máy tay ga trước cửa hàng gần siêu thị, một đối tượng liền tiến lại giở trò "đá nóng" (bẻ khóa xe). Lúc này các "hiệp sĩ" mới bắt đầu ra tay. Thấy bị phát hiện, nhóm đối tượng rồ ga bỏ chạy, nhưng dưới sự truy đuổi gắt gao của các "hiệp sĩ", cuối cùng chúng cũng phải chịu đầu hàng và bị đưa về Công an huyện Bến Cát để xử lý. Trong vụ này, ngoài sự kiên trì, chịu đựng để bám đuổi đối tượng suốt một ngày ròng của các "hiệp sĩ", còn một chi tiết thú vị là sau khi nhóm đối tượng bị bắt, trước lúc bị dẫn giải về cơ quan công an, người nhà của chúng đã gọi điện, đề nghị "bồi dưỡng" 60 triệu đồng để "xin các anh bỏ qua", nhưng các "hiệp sĩ" đã nhất quyết từ chối, vì "không thể nhận những đồng tiền dơ bẩn này" - Hải khẳng định như đinh đóng cột.
Vì nghĩa quên thân
Thế nhưng, cực khổ cũng chưa thấm gì so với những nguy hiểm mà các "hiệp sĩ" thường phải đối mặt khi truy bắt tội phạm. Thường thì khi bị dồn vào đường cùng, kẻ ác sẽ liều lĩnh, quyết liệt chống trả với đủ loại hung khí, kể cả "hàng nóng", trong khi đó các "hiệp sĩ" chỉ có tay không, vì không được phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Điển hình như vụ đuổi bắt băng cướp "Dũng chim xanh" năm 2001. Khoảng 1h30 sáng 26 tháng Chạp âm lịch, gần giáp Tết Nguyên đán, nhóm "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải phát hiện hai đối tượng khả nghi phóng xe máy chạy rất nhanh, liền đuổi theo. Khi bị phát hiện, "Dũng chim xanh" lập tức rút súng bắn trả, làm "hiệp sĩ" Trần Anh Vũ bị thương vào bụng, nhưng các anh vẫn không ngừng truy đuổi. Sau đó, với sự hỗ trợ của lực lượng công an, băng cướp táo tợn này đã bị tóm gọn.
Hải và các đồng đội hẳn sẽ không bao giờ quên ngày mà người đồng đội Nguyễn Xuân Chinh tử nạn trên đường truy đuổi bắt cướp, đó là ngày 31-8-2010. Hải nói, anh luôn cảm thấy có lỗi với người thân của anh Chinh lắm (Chinh là con trai duy nhất trong gia đình và đã tốt nghiệp cử nhân luật). Nỗi đau đó không bao giờ nguôi ngoai được, nhưng lại giúp các anh trở nên can trường hơn, biến nỗi đau thành hành động, bắt nhiều hơn nữa những tên tội phạm, những kẻ mà Xuân Chinh chưa bắt được, để đồng đội được an lòng dưới suối vàng.
"Tôi cũng đã nhận được nhiều tin nhắn nặc danh đe dọa, đại loại như "Tao đã thuê lấy mạng mày với giá 100 triệu đồng rồi đó", hoặc "mày có thương vợ con mày không?"… Nếu nói không sợ thì không đúng nhưng những lời dọa nạt thế chỉ khiến mình cảnh giác hơn". Hải nói rằng, cái chết của người đồng đội đã và đang tiếp thêm cho các anh sức mạnh và lòng can đảm mỗi khi đối mặt với tội phạm; tiếp thêm cho các anh ý chí để thuyết phục vợ con, gia đình an lòng mỗi khi các anh ra đường săn bắt cướp…
Mười lăm năm hành hiệp vì nghĩa, cũng là 15 năm "vác tù và hàng tổng". Mãi đến năm 2011, thành viên các CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương mới được hỗ trợ 50 lít xăng và hưởng phụ cấp dân phòng với mức 450.000 đồng/tháng, ngoài ra không còn chế độ nào khác. Nếu như đem cái gọi là "quyền lợi" này để so sánh với những hiểm nguy hằng ngày phải đối mặt trên đường đi bắt cướp, để đưa ra quyết định "có đi bắt cướp hay không", chắc hẳn không ai dám nói "có". Thế nhưng, họ vốn mang trong mình phẩm chất của "Lục Vân Tiên". Có hay không có chút quyền lợi, công sá thì họ cũng đã tự nguyện hành động vì nghĩa khí suốt 15 năm trời đấy thôi. Hải cho rằng, tài sản mà anh và đồng đội có được sau 15 năm hành hiệp chính là tình cảm mến mộ, những cú điện thoại cảm ơn, chia sẻ của đông đảo người dân, đặc biệt gần đây, nghĩa cử giúp đời của các anh đã được các cơ quan chức năng ghi nhận, rồi Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP Hồ Chí Minh, Bình Phước… cũng đã đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phòng chống tội phạm, bắt cướp từ mô hình CLB phòng chống tội phạm của mình, "thế là vui lắm rồi!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.