(HNM) - Chính sách có vai trò định hướng, là bộ khung trong mọi hoạt động của các lĩnh vực đời sống xã hội. Càng nhiều biến động, càng cần phản ứng chính sách nhanh, đúng, trúng, phù hợp thực tiễn, để trở thành lực đẩy cho quá trình phát triển.
Công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua là minh chứng sống động cho điều này. Dịch bệnh làm nảy sinh hàng loạt vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, bởi dịch gây ra khủng hoảng y tế toàn cầu và càng khó khăn hơn với những quốc gia có tiềm lực tài chính, năng lực hệ thống y tế còn hạn chế như ở nước ta.
Trong bối cảnh ấy, công tác phòng, chống dịch được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước và thống nhất ở trung ương, linh hoạt ở địa phương, cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng vào cuộc. Tham khảo tình hình thế giới, cộng với thực tiễn trong nước, những quyết sách lớn đã được ban hành kịp thời, như: “Thông điệp 5K”, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, quyết định mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15-3-2022...
Phản ứng nhanh nhạy với thực tiễn, những chính sách này đã giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, giúp nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.
Đi qua đại dịch, nước ta lại tiếp tục đối chọi với khó khăn bởi những biến động mang tính toàn cầu, như: Nguy cơ lạm phát, giá nhiên liệu tăng phi mã, xung đột và bất ổn chính trị thế giới leo thang... Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động kéo theo nhiều nguy cơ tiêu cực, Chính phủ đã có những chính sách linh hoạt, kịp thời để giảm giá xăng, dầu, kìm đà tăng giá của hàng hóa, dịch vụ liên quan... Cùng với đó, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...
Tại cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh: Cần phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh nhiều biến động. Và thực tế cho thấy, Chính phủ đã rất chủ động, bình tĩnh nhưng không chủ quan, phản ứng chính sách kịp thời, có giải pháp hiệu quả trong điều hành để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi nhanh kinh tế sau đại dịch và đến nay được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về triển vọng phát triển.
Như một vòng quay liên hoàn, những phản ứng chính sách linh hoạt, phù hợp, kịp thời sẽ cho ra đời những giải pháp hiệu quả trong đối phó với thách thức cả trước mắt và lâu dài. Muốn vậy, các cấp, các ngành phải sát sao, chủ động, trách nhiệm với phần việc được phân công. Nắm bắt, hiểu sâu, rõ bản chất vấn đề; có tầm nhìn cũng như dự báo chính xác tình hình trong nước, quốc tế. Đồng thời, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị... để có phản ứng chính sách kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tế.
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Vì thế, các bộ ngành, địa phương phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chế độ cho người làm công tác xây dựng pháp luật... Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì công tác này càng đòi hỏi yêu cầu cao hơn; đặc biệt, tốc độ phản ứng chính sách cần được đẩy mạnh, song vẫn phải bảo đảm yêu cầu quan trọng số một là trúng và đúng với bối cảnh, thời cuộc.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2022 tổ chức ngày 3-8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Trong đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định đời sống vật chất, tinh thần nhân dân... Căn cứ chỉ đạo này, các cấp, các ngành, địa phương cần nắm bắt và đi sâu, đi sát thực tế để chủ động đề ra chính sách; càng biến động thì chính sách càng phải linh hoạt, chủ động, song phải trong khuôn khổ, bảo đảm yêu cầu “1 kiên quyết không” như yêu cầu của Thủ tướng: Không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả và chắc chắn.
Phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả sẽ vừa giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa góp phần quan trọng tạo lực đẩy cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.