Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật chưa đi vào cuộc sống: Lỗi tại quy trình?

Vân An| 21/05/2014 15:07

(HNMO) – Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.


Về nội dung tờ trình chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu đoàn Hà Nội cơ bản tán thành với nội dung trong tờ trình. Theo các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Phạm Huy Hùng, Đinh Xuân Thảo, Trịnh Thế Khiết…, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn lại của 2 năm đã bám sát kế hoạch triển khai thực hiện hiến pháp, ưu tiên các luật liên quan đến việc hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, thể chế hóa các quyền con người.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, phải đẩy nhanh tiến độ ban hành dự luật quản lý hành chính công, luật biểu tình. Trong khi đó, việc xây dựng Luật thú y, Luật cảnh vệ, Luật dân số chưa thực sự cấp thiết, có thể dời lại.

Quan tâm đến tính khả thi của các dự án luật được ban hành, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, tỷ lệ luật được ban hành đi vào cuộc sống rất ít, ngoài nguyên nhân về trình độ và các nguyên nhân khác thì quy trình làm luật hiện nay “hơi ngược”, bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước nên không tránh khỏi bị chi phối bởi lợi ích nhóm, khó đi vào cuộc sống.

“Chúng ta nên nghiên cứu lại quy trình làm luật. Quy trình này nên bắt đầu từ Quốc hội”, đại biểu An đề xuất.


Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cũng cho rằng, hiện Quốc hội vẫn còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan soạn thảo và trình dự án luật, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến luật khó đi vào cuộc sống, tỷ lệ nợ đọng văn bản lớn.

“Quốc hội cần kiến nghị với Chính phủ hoặc có quy định đảm bảo những quy định được ban hành trong luật phải căn cứ thực tế, phải khả thi, thực hiện được, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật”, đại biểu Hà nói.

Tuy nhiên, qua tham khảo, học hỏi kinh nghiệm xây dựng luật, pháp lệnh từ nhiều nước tiên tiến, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho biết, quy trình làm luật của Việt Nam hiện không khác nhiều so với các nước khác. Vấn đề là tổ chức hiện nay của Quốc hội nước ta chưa tương xứng, chưa phúc đáp được các chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định.

“Quy trình làm luật của ta khá chặt chẽ, bài bản. Chúng ta nói Chính phủ trình sang cái gì, Quốc hội quyết cái đó cũng là logic, phù hợp thông lệ quốc tế vì Chính phủ điều hành đất nước. Nguyên nhân khiến luật không đi vào cuộc sống là vì luật không điều chỉnh trực tiếp những vấn đề mang tính cơ bản, mà do nghị định, thông tư. Trong khi chúng ta còn quá chậm trong việc ban hành các văn bản dưới luật, một số nội dung trong các văn bản dưới luật lại không đúng tinh thần của luật..., mà công tác giám sát việc ban hành các văn bản dưới luật của chúng ta lại yếu”, đại biểu Quyền phân tích.

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, ngoài nguyên nhân chậm ban hành văn bản hướng dẫn khiến luật khó đi vào cuộc sống, còn có nguyên nhân là một số dự luật khi đưa ra thảo luận nhận được rất nhiều ý kiến băn khoăn từ các đại biểu nhưng vì áp lực thời gian, chương trình… nên Quốc hội vẫn cho trình. Đại biểu Tuyến đề nghị cần có cơ chế xem xét trách nhiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật và cơ chế ràng buộc trách nhiệm trong giám sát việc ban hành văn bản thi hành luật.

Phân tích về việc luật khó đi vào cuộc sống, đại biểu Phạm Quang Nghị cho rằng, đó là do một số nội dung, quy định của luật chưa phù hợp với thực tiễn. Tình trạng này khá phổ biến và có nguyên nhân do đôi khi chúng ta xuất phát từ lòng mong muốn, chủ trương mang tính chất hơi duy ý chí, thoát ly thực tiễn, muốn đưa vào luật nhiều quy định trong khi chúng ta biết là chưa chắc đã khả thi 100% trong thực tế. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa nghiêm, chưa tự giác, thể hiện cụ thể nhất qua việc thực hiện luật giao thông, trong khi chúng ta lại thiếu các chế tài xử phạt hoặc chế tài chưa đủ nghiêm.

“Nếu chúng ta phạt nhẹ thì sẽ phải phạt thường xuyên, trong khi nếu chúng ta phạt nặng thì sẽ ít phải phạt”, đại biểu Nghị nói.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận tại tổ vềDự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.


Các đại biểu cơ bản thống nhất với mục đích, yêu cầu sửa đổi dự án luật và đánh giá, dự luật đã luật hóa được những thỏa thuận quốc tế liên quan; những vấn đề xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện; chuẩn bị cho chiến lược của ngành hàng không Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, dự luật cần quan tâm và quy định đầy đủ hơn các nội dung liên quan đến việc quy hoạch cảng hàng không sân bay, thẩm quyền cho phép, trình tự xây dựng… để tránh tình trạng đầu tư lãng phí, dàn trải; làm rõ các quy định liên quan đến việc tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp trong khai thác bay, phát huy được nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào hoạt động này, bảo đảm sự bình đẳng về thương quyền bay (giờ bay vàng, địa điểm vàng, bãi đỗ…) và có cơ chế hậu kiểm chặt chẽ.

Đặc biệt, các quy định trong dự luật liên quan đến đối tượng là hành khách sử dụng dịch vụ hàng không còn rất mờ nhạt. Những vấn đề như nhỡ chuyến, thất thoát hàng hóa của hành khách, đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách, chất lượng dịch vụ và giá cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp… chưa được quy định đầy đủ. Việc dự thảo quy định Nhà nước bao trọn các vấn đề về giá cũng mới chỉ giải quyết được thực tế trước mắt.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật chưa đi vào cuộc sống: Lỗi tại quy trình?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.