Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lựa chọn khả thi

Minh Hiếu| 09/10/2017 06:40

(HNM) - Sau cuộc tổng tuyển cử với chiến thắng thuộc về liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) nhưng không đủ để thành lập chính phủ độc lập, Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa xác nhận sẽ xúc tiến quá trình đàm phán trong vài ngày tới để hình thành một chính phủ

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ xúc tiến đàm phán để thành lập chính phủ liên minh.


Phát biểu trong một sự kiện được tổ chức tại TP Dresden thuộc miền Đông nước Đức ngày 7-10, nữ Thủ tướng Đức khẳng định, đây là sự lựa chọn thực tế nhất tại thời điểm này. Kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 cho thấy, liên đảng cầm quyền CDU/CSU đã giành được 32,9% số phiếu, theo sau là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) với 20,5% số phiếu. Tuy nhiên, cánh cửa thành lập liên minh với đối tác của bà A.Merkel trong suốt 4 năm qua là đảng SPD đã khép lại sau khi Chủ tịch SPD Martin Schulz tuyên bố sẽ trở thành đảng đối lập. Vì vậy, sự kết hợp giữa liên minh CDU/CSU với đảng FDP và đảng Xanh tạo thành "Liên minh Jamaica" (tên gọi này xuất phát từ 3 màu biểu tượng của 3 đảng là đen - vàng - xanh, tương tự Quốc kỳ của Jamaica) để được quá bán số phiếu là một phương án chưa từng có tiền lệ nhưng lại khả thi nhất.

Các nhà phân tích cho rằng, việc thành lập "Liên minh Jamaica" sẽ là một quá trình khó khăn và có thể kéo dài trước khi các đảng nhất trí đạt được một thỏa thuận, có thể là vào cuối năm nay. Trước khi đàm phán với lãnh đạo đảng FDP và đảng Xanh, nhiệm vụ đầu tiên của Thủ tướng A.Merkel là gặp gỡ lãnh đạo “đảng chị em” CSU Horst Seehofer để thống nhất quan điểm chung, đặc biệt về vấn đề người nhập cư. Các nhà lãnh đạo CSU từng nhiều lần kêu gọi Thủ tướng A.Merkel sửa đổi chính sách gây tranh cãi về tiếp nhận người tị nạn. Cũng trong bài phát biểu tại TP Dresden, bà A.Merkel cho biết, Chính phủ đang làm việc tích cực để xoa dịu những quan ngại ngay chính trong liên đảng cầm quyền về người di cư, đặc biệt là việc dòng người Hồi giáo từ Trung Đông kéo đến sẽ được hòa nhập thế nào trong xã hội Đức.

Bên cạnh sự khác biệt trong nội bộ CDU/CSU, việc dung hòa lợi ích với đảng FDP và đảng Xanh cũng là trở ngại lớn mà Chính phủ liên minh phải vượt qua. Ba khối hợp thành "Liên minh Jamaica" hiện đang tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề người tị nạn, năng lượng, khí hậu, thuế quan. Chủ tịch đảng FDP Christian Lindner luôn phản đối chính sách nhập cư của Thủ tướng A.Merkel. Trong khi đó, đồng Chủ tịch đảng Xanh Cem Ozdemir từng lên tiếng chỉ trích đường lối đối ngoại của chính quyền hiện nay là thiếu những chính sách có giá trị rõ ràng, né tránh các vấn đề về xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại ảnh hưởng tới thỏa thuận người di cư.

Dù vậy, triển vọng thành lập "Liên minh Jamaica" lại nhận được những tín hiệu tích cực từ phía cử tri Đức. Cuộc thăm dò dư luận do Đài Truyền hình Đức tổ chức sau tổng tuyển cử cho thấy, 60% cử tri được hỏi ủng hộ việc thành lập Chính phủ liên minh với đảng FDP và đảng Xanh. 80% số người được hỏi tin tưởng vào thành công của sự hợp tác này. Bên cạnh đó, "Liên minh Jamaica" có xu hướng thân thiết hơn với Châu Âu cũng là điều mà các nhà lãnh đạo Lục địa già ủng hộ, đặc biệt là Pháp. Sau khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, trục Đức - Pháp sẽ được coi là xương sống của khối và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có những kế hoạch táo bạo để cải cách Châu Âu. Vì vậy, những hoạt động tái định hình Khu vực đồng tiền chung Châu Âu cần tới sự hậu thuẫn của Đức trên vai trò nền kinh tế lớn nhất khu vực này.

Thủ tướng A.Merkel từng khẳng định: “Nước Đức cần một chính phủ ổn định và các đảng phái chính trị có trách nhiệm thực hiện tốt điều này”. Đây cũng là bài toán không dễ dàng mà nữ chính trị gia và chính phủ liên minh sẽ phải giải quyết và duy trì trong 4 năm tới. Giới quan sát kỳ vọng, nước Đức dưới sự dẫn dắt thận trọng của Thủ tướng A.Merkel sẽ tiếp tục vượt qua khởi đầu khó khăn trong nhiệm kỳ mới và giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế của Châu Âu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.