Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lòng yêu nước và trách nhiệm công dân

Hoàng Thu Vân| 28/07/2012 07:04

(HNM) - Những ngày qua, các hành động ngang ngược của phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã vấp phải những phản ứng dữ dội của dư luận quốc tế.


Những hành động này đã vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình trên Biển Đông thêm phức tạp.

Việc Trung Quốc thổi bùng lên bằng trí tưởng tượng về "đường biên giới 9 đoạn" (còn gọi là "đường lưỡi bò" hay đường ranh giới hình chữ U) không những bị dư luận và giới chuyên môn trên thế giới chỉ trích mà ngay cả giới khoa học và những người Trung Quốc chân chính cũng không ủng hộ và lên tiếng phản đối. Đáng chú ý nhất là học giả Lý Lệnh Hoa (nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển đã đăng tải trên các báo chí Trung Quốc) đã thẳng thắn phê phán các quan điểm của nước này. Ông Lý Lệnh Hoa khẳng định, "Đường biên giới 9 đoạn" trên Biển Đông là một đường hư ảo bởi tiền nhân vạch ra đường lưỡi bò không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật. Hơn nữa, "Đường biên giới 9 đoạn" do Trung Quốc đơn phương đưa ra và không được quốc gia nào thừa nhận... Đây là những quan điểm được Giáo sư triết học Hà Quang Hộ (Đại học Nhân dân Trung Quốc), Giáo sư Thường Hội Bằng (Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh), Giáo sư Trương Kỳ Phàm (Học viện Pháp luật, Đại học Bắc Kinh), Giáo sư Tống Yến Huy và Giáo sư Du Khoan Tứ của Đài Loan... ủng hộ. Các học giả, nhà khoa học và những người Trung Quốc chân chính đều cho rằng, trong thế giới hiện nay các quốc gia đều phải dựa vào nhau để tồn tại trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Thậm chí, ông Ngô Kiến Dân, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc, từng là Giám đốc Học viện Ngoại giao, Viện sĩ Viện Khoa học Châu Âu, Viện sĩ Viện Khoa học Âu - Á, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải đã thẳng thắn phát biểu rằng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông không thể dựa vào vũ lực...

Ngày 24-7, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tại Washington, bà Victoria Nuland, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, tranh chấp ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại và bằng tiến trình phối hợp ngoại giao giữa tất cả các bên. Các Thượng nghị sĩ Mỹ như Jimm Webb, John McCain... cũng cho rằng, những hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và trái với tuyên bố của Bắc Kinh sẵn sàng cùng ASEAN hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Giáo sư Tommy Koh của Singapore, người chủ trì việc soạn thảo các điều khoản quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) khẳng định, UNCLOS là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhằm tạo ra một trật tự pháp lý quốc tế công bằng và toàn diện cho mọi hoạt động trên biển và đại dương mà các quốc gia trên thế giới cần tôn trọng...

Với Việt Nam, quan điểm trước sau như một là kiên quyết giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc dựa trên những cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong một "thế giới phẳng", phát triển như hiện nay, không một âm mưu đen tối của bất cứ thế lực nào có thể che giấu và ngụy biện. Điều đáng nói là dư luận thế giới, loài người tiến bộ luôn sát cánh và ủng hộ chúng ta. Đặc biệt vừa qua lại thêm một chứng cứ có ý nghĩa quan trọng, bổ sung vào hệ thống chứng cứ lịch sử chứng minh và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khi TS Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phả học Việt Nam đã trao tặng tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" của Trung Quốc cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là tấm bản đồ cổ nhất thời cận đại của Trung Quốc được Triều đình nhà Thanh xuất bản, công bố với thế giới năm 1904. Chứng cứ lịch sử này cho thấy, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ giới hạn về phía đông là đảo Đài Loan, phía nam là đảo Hải Nam, không hề có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều đó càng giúp dư luận quốc tế hiểu đúng về chân lý, sự thật. Cùng với những người hăng say lao động, sản xuất để góp sức mình xây dựng quốc gia hùng mạnh; những chiến sĩ đang thầm lặng chắc tay súng nơi biên giới, hải đảo gìn giữ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, hành động cụ thể, thiết thực nêu trên có thể được xem là một cách thức đúng đắn thể hiện lòng yêu nước.

Những ngày gần đây xuất hiện một số kẻ đứng lên hô hào, lôi kéo, kích động người dân tham gia tụ tập, biểu tình. Thậm chí họ còn lớn tiếng trên một số trang mạng cá nhân hoặc các trang web "đen" công khai đả kích, bêu xấu, tuyên truyền chống chế độ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho tới giờ này, chân tướng của một số đối tượng cầm đầu các hoạt động này đã lộ rõ khi người dân đã tỉnh táo nhận rõ những âm mưu đen tối phía sau cái gọi là "thể hiện lòng yêu nước". Cái cách yêu nước như vậy có phải vì lợi ích của quốc gia? Hay họ đang cố tạo ra sự mất ổn định đời sống chính trị, tập hợp lực lượng chống phá chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đạp đổ những thành tựu chúng ta đã đạt được trong quan hệ ngoại giao, phát triển kinh tế...?

"Bổn cũ soạn lại", những cuộc tụ tập tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã từng diễn ra tại Hà Nội và một số thành phố lớn trong cả nước hồi giữa năm 2011 nay lại được những kẻ có "tim đen" lợi dụng cơ hội để manh nha, nhen nhóm. Tuy nhiên thời điểm này, những âm mưu đen tối núp dưới chiêu bài "yêu nước" của một số đối tượng không còn dễ dàng lôi kéo, lợi dụng những người dân nhẹ dạ, cả tin. Nếu cố tình gây mất trật tự công cộng, tác động tiêu cực tới đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, họ phải hiểu rằng, đó là những hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Lòng yêu nước chân chính của mỗi công dân phải bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm tuân thủ những quy định của pháp luật hiện hành để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lòng yêu nước và trách nhiệm công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.