(HNMCT) - Khi từng đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, thời tiết chuyển lạnh thì sự xuất hiện của những tủ quần áo từ thiện “thiếu đến lấy, thừa ủng hộ” trên những con phố Bà Triệu, Thái Hà, Pháo đài Láng… đã làm ấm lòng biết bao người. Lòng trắc ẩn và việc làm tình nghĩa theo đó mà lan tỏa, nhân lên trong cộng đồng.
Những tủ áo tình thương
Cuối giờ chiều một ngày giữa tháng 11, khi thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc vợ chồng anh Trần Văn Đương và chị Lê Thị Liên (quê ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) rời công trường xây dựng trở về khu nhà trọ. Qua phố Thái Hà, sau một thoáng bất ngờ, ngại ngùng khi thấy tủ quần áo miễn phí đặt sát một cửa hàng, hai vợ chồng mạnh dạn ghé vào chọn đồ. Sau một hồi chọn đồ anh Đương nở nụ cười rất tươi cho biết: “Tôi làm thợ xây còn vợ phụ hồ, ra Hà Nội hơn 1 tháng nay mà chưa kịp mang theo quần áo ấm.
Thật may có tủ quần áo từ thiện này mà vợ chồng tôi đã chọn được vài bộ vừa vặn với mình. Chúng tôi không còn lo đứng trên công trường bị lạnh nữa. Tôi cảm ơn các vị có tấm lòng từ thiện rất nhiều!”.
Cũng tìm tới tủ đồ quần áo miễn phí trên phố Bà Triệu, anh Trần Văn Cảnh, 54 tuổi, làm nghề xe ôm (quê ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Có quần áo vừa ấm vừa sạch đẹp mà vẫn còn mới thế này tôi sẽ không bị lạnh những ngày rét sắp tới phải chạy xe ngoài đường, mà nhờ vậy cũng đỡ được một khoản tiền, để dành gửi về quê cho các cháu ăn học. Tôi sẽ mách cho nhiều người khác có nhu cầu tới đây chọn quần áo".
Với mong muốn giúp đỡ người nghèo vượt qua mùa đông giá rét, thời gian qua, trên các tuyến phố như Thái Hà, Bà Triệu, Tây Sơn, Quang Trung, trước cửa Bệnh viện K Tân Triều..., một số người có tấm lòng thiện nguyện đã mở ra các tủ quần áo miễn phí. Các tủ quần áo này được thiết kế gọn đẹp, với nhiều ngăn đựng quần áo nam nữ, đồ trẻ em, giày dép, phụ kiện giúp người đến lấy và người đến ủng hộ đều dễ dàng nhận biết. Kể từ khi xuất hiện đến nay những tủ quần áo từ thiện này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của cả người nghèo, người lao động ngoại tỉnh ở thành phố và những người tới ủng hộ.
Từ phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, chị Hoàng Thị Thu Trang, 34 tuổi, cùng con trai 4 tuổi mang theo những túi quần áo còn mới tới đóng góp cho tủ quần áo từ thiện ở trước cửa Bệnh viện K Tân Triều.
Chị Trang cho biết: “Từng đi làm từ thiện nhiều nơi nên tôi biết còn có nhiều người thiếu thốn lắm. Hy vọng chỗ quần áo còn dùng được này sẽ góp phần giúp những người còn khó khăn được ấm áp hơn trong mùa đông giá rét”.
Còn theo chị Trần Thị Huế, 26 tuổi, làm việc tại một công ty trên phố Thái Hà thì, “tủ đồ này đã kết nối những người muốn làm từ thiện như chúng tôi với những người có hoàn cảnh khó khăn để họ thêm ấm lòng”.
Ông Nguyễn Văn Cương, ở 70 phố Thái Hà nhận xét: “Hằng ngày chứng kiến nhiều người tới tìm chọn quần áo ở tủ đồ từ thiện mới thấy việc làm này rất ý nghĩa. Quả thật những tấm áo, manh quần với người cho đi là không cần thiết nhưng với những người nghèo thật đáng giá biết bao!”.
Vun đắp tình người, nối dài việc thiện
Là đất kinh kỳ, là Thủ đô nên trong hơn ngàn năm lịch sử của mình, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ cư dân khắp các vùng miền. Người Thăng Long - Hà Nội luôn có ý thức cưu mang, đùm bọc lẫn nhau cùng làm ăn, sinh sống trong một cộng đồng đoàn kết, chặt chẽ. Truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” từ đó hình thành và tồn tại suốt chiều dài lịch sử cho đến nay. Những người có điều kiện luôn sẻ chia, giúp đỡ những người nghèo khó, nhiều người dù chưa khá giả cũng sẵn lòng chia sẻ với những người nghèo khó hơn mình.
Thực tế những năm qua cho thấy, không chỉ vào dịp các cấp, ngành Trung ương và thành phố phát động các chương trình quyên góp nhằm ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân các địa phương bị thiên tai, lũ lụt thì người Hà Nội mới tham gia đóng góp, mà lâu nay thiện nguyện đã là một việc làm thường xuyên trong cộng đồng, với rất nhiều nhóm, hội hoạt động hết sức thiết thực, hiệu quả.
Trong đó, mô hình tủ quần áo từ thiện đã được hình thành trên khắp địa bàn thành phố từ nhiều năm nay, đáng kể là nhóm thiện nguyện E2K thành lập năm 2016, hoạt động một cách sáng tạo, bền bỉ, hiệu quả với "Phiên chợ đồng giá 2.000 đồng" tổ chức hằng ngày tại số 3B Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), gần đây đã mở rộng ra 6 điểm thu gom quần áo ở các quận nội thành.
Hay như mô hình tủ quần áo từ thiện của Chi hội Phụ nữ số 5, phường Xuân La (quận Tây Hồ) được duy trì từ đầu năm 2018 đến nay đã giúp biết bao người có hoàn cảnh khó khăn có quần áo miễn phí. Không chỉ giúp đỡ người nghèo ở thành phố, mà đã có nhiều chuyến xe chở quần áo, các vật dụng sinh hoạt cùng kinh phí hỗ trợ được những nhóm thiện nguyện ở Hà Nội chuyển đến tận tay đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa hay các vùng bị thiên tai, bão lụt...
Bày tỏ vui mừng trước những hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đang ngày càng lan tỏa trên địa bàn thành phố, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng: “Đó là những việc làm rất đẹp, thấm đậm tình người. Chúng ta cần phát huy truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của người Hà Nội để những việc làm đầy ý nghĩa ấy được nhân rộng, để cộng đồng cùng chung tay xây dựng một xã hội nhân ái, tốt đẹp hơn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.