(HNM) - Sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư là nguyên nhân chính phát sinh tranh chấp tại nhiều chung cư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua.
Để tìm lối ra trong việc xác định đơn vị sử dụng nguồn kinh phí bảo trì chung cư, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hạn chế tranh chấp, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị thay vì chủ đầu tư thu, nay giao ban quản trị thu và chịu trách nhiệm quản lý khoản tiền này.
Theo Luật Nhà ở 2014, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì 2% (kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho các chủ sở hữu đóng góp), bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho ban quản trị. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ đầu tư không thực hiện theo quy định trên - đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa chủ đầu tư với ban quản trị và cư dân nhiều tòa chung cư trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hoài Sơn (cư dân chung cư Green Valley, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phú, quận 7) thông tin, sắp tới cư dân sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư lần thứ 3 để bầu ban quản trị. “Khi đã có ban quản trị, hy vọng phí bảo trì chung cư được quản lý, sử dụng minh bạch, để không xảy ra tranh chấp như nhiều chung cư khác”, ông Nguyễn Hoài Sơn cho hay.
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2019 đến nay, trên 70% tranh chấp tại chung cư trên địa bàn có liên quan đến việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư. Nhiều vụ việc cư dân và chủ đầu tư không thể hòa giải, phải đưa nhau ra tòa để giải quyết. Luật sư Lê Trọng Thêm (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tranh chấp phí bảo trì chung cư chủ yếu do chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ số tiền đã thu trong quá trình bán căn hộ cho cư dân. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư đã dùng phí bảo trì chung cư để đầu tư, kinh doanh mà không bàn giao, thậm chí để mất vốn. Đây cũng là lý do khiến nhiều cư dân không tin tưởng chủ đầu tư sẽ sử dụng đúng mục đích khoản kinh phí bảo trì chung cư.
Để giải quyết vấn đề này, hiện có 3 luồng ý kiến. Thứ nhất là giữ nguyên cơ chế thu phí bảo trì chung cư như hiện nay và quản lý, sử dụng hiệu quả, minh bạch; thứ hai là bỏ thu phí bảo trì chung cư, khi nào phát sinh hư hỏng cần bảo trì sẽ thu sau; thứ ba là không thu ngay phí bảo trì chung cư khi ký hợp đồng mua bán mà thu dần sau 5 năm khi chung cư đi vào hoạt động.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, nếu thực hiện theo luồng ý kiến 2, 3 sẽ rất khó vì nhiều người mua nhà đã mua bán, chuyển nhượng căn hộ nhiều lần trước khi nhận bàn giao căn hộ. Vì vậy, người mua cuối cùng khi nhận bàn giao căn hộ rất khó chấp nhận nghĩa vụ phải đóng phí bảo trì chung cư.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, Sở vừa có kiến nghị quy định không giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Theo đó, người mua căn hộ sẽ đóng trực tiếp khoản tiền này cho ban quản trị sau khi được thành lập. “Kiến nghị này nhằm bảo đảm kinh phí bảo trì được sử dụng đúng mục đích là bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Còn cách thức thu như thế nào chúng tôi sẽ thảo luận, xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trước mắt, chúng tôi sẽ ban hành quy chế mẫu quản lý, vận hành nhà chung cư, để chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà thống nhất cách thức quản lý, sử dụng”, ông Lê Hòa Bình nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.