(HNM) - Do lợi nhuận cao, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng hóa không bảo đảm chất lượng ATVSTP vẫn diễn ra rất phức tạp.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội QLTT số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc và hàng thực phẩm ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai do Nguyễn Hoàng Nam làm chủ, phát hiện cơ sở này vừa nhập một container mỡ động vật không rõ nguồn gốc gồm 98 thùng phuy mỡ cá để sơ chế rồi bán cho các đơn vị khác. Ngoài ra, trong kho hàng của cơ sở này còn có hai bể lọc chứa 8 khối mỡ nước và 350 thùng phuy mỡ động vật, tổng cộng ước tính hơn 100.000 lít. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở khai nhận đã nhập mỡ động vật từ Hải Phòng, sau đó lọc bỏ tạp chất để bán cho các doanh nghiệp kinh doanh dầu mỡ, trong số đó có Công ty TNHH Phương Liên (tại Km số 9 Đại lộ Thăng Long). Tiếp tục kiểm tra Công ty TNHH Phương Liên, lực lượng liên ngành phát hiện 17 thùng phuy mỡ lợn có trọng lượng gần 3 tấn, đồng thời xác định doanh nghiệp này kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện ô tô BKS 29C-24793 đang vận chuyển 2 tấn mỡ nước cho Công ty TNHH Phương Liên. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy gần 5 tấn mỡ lợn của Công ty TNHH Phương Liên tại bãi rác Kiêu Kỵ, Gia Lâm (Hà Nội) và hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính với cơ sở này. Riêng kho hàng của chủ cơ sở tại huyện Thanh Oai, cơ quan chức năng nhận định, chủ cơ sở đã chế biến mỡ để đưa vào các bếp ăn công nghiệp, nên vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Trước đó, Đội Cảnh sát môi trường (Công an quận Hoàng Mai) đã kiểm tra và phát hiện gần 2 tấn mực không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATVSTP đang được sơ chế, tẩy rửa để đưa đi tiêu thụ. Chủ cơ sở là Nguyễn Văn Huynh, trú tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Tại thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, có 6 nhân viên đang sơ chế, tẩy rửa mực đông lạnh đã bốc mùi hôi thối.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện vẫn rất khó khăn, tình hình vận chuyển buôn bán thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn từ các địa phương khác vào Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Các loại thực phẩm bẩn được nhập từ bên kia biên giới với mức giá gần như cho không, nếu đưa được vào thị trường nội địa tiêu thụ thì mang lại lợi nhuận rất cao, khiến các thương lái bất chấp tính mạng, sức khỏe của NTD.
Theo Cục QLTT (Bộ Công thương), tình trạng kiểm soát ATVSTP còn nhiều bất cập, trong khi chế tài xử phạt hành vi vi phạm ATVSTP chưa đủ sức răn đe, khiến các đối tượng vẫn vi phạm. Nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, nhưng trong quá trình sản xuất, không duy trì, bảo đảm điều kiện như khi thẩm định. Một bất cập nữa là hiện nay nhận thức về ATVSTP của NTD chưa cao, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm. Việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch còn nhiều, nhất là đối với thực phẩm tươi sống. Đây là mối nguy hiểm tiềm ẩn đe dọa sức khỏe và tính mạng của NTD.
Để tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATVSTP, Chi cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn; kiểm tra các cơ sở sản xuất, nguyên liệu đưa vào sản xuất, nhất là các mặt hàng thực phẩm công nghệ, rượu, bia, nước giải khát…; tập trung kiểm tra một số loại độc tố có hại trong thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để cảnh báo NTD biết và tránh sử dụng. Được biết, riêng tháng 4-2015, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 32 vụ vi phạm về đo lường, chất lượng; 66 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; phạt hành chính 524.945.000 đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 140.090.000 đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.