Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích và động lực

Đình Hiệp| 14/02/2017 07:32

(HNM) - Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không chỉ là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, mà còn được coi như cú hích để cơ cấu nguồn lực hợp lý hơn, thu hút thêm những nguồn lực mới phục vụ quá trình phát triển, tăng hiệu quả của nền kinh tế.


Yêu cầu đặt ra của quá trình này là không được làm thất thoát tài sản, bảo đảm tốt lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Từ năm 2011 đến hết năm 2016, nếu chỉ nhìn vào số lượng, kết quả CPH DNNN dường như khá ấn tượng. Song, thực tế không hẳn vậy. Đến nay, mới thoái vốn ở 5 lĩnh vực, đạt 42% và mới CPH số vốn được 8%, có nghĩa vẫn còn 92% vốn trong DNNN là của Nhà nước. Tiến trình CPH thời gian qua có xu hướng chậm lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ì ạch này, cả khách quan lẫn chủ quan. Và thực tế, tốc độ và hiệu quả của CPH DNNN đang bị chi phối rất lớn bởi hai yếu tố: “Lợi ích” và “Động lực”. Trong đó, lợi ích cục bộ là rào cản lớn; chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh CPH, thoái vốn.

Thực tế cho thấy, khi chưa CPH, lãnh đạo DNNN sẽ “khỏe” hơn vì chỉ cần bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, không phải lo cổ tức cho cổ đông, sẽ yên tâm tại vị đến tuổi nghỉ hưu. Nếu CPH, hoạt động của DN sẽ bị giám sát chặt chẽ bởi cổ đông, vị trí người đứng đầu DN phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng quản trị.... Cùng với đó, năng lực quản lý điều hành của một số cán bộ quản lý DNNN chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, đánh giá đối với DNNN chưa thực sự hiệu quả, chưa minh bạch giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh... Những nguyên nhân chủ quan này khiến tốc độ CPH DNNN chậm trễ và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Để giải quyết những bất cập trong CPH DNNN, ngày 2-2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020. Trước đó, một loạt giải pháp, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của công tác này đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 diễn ra ở Hà Nội ngày 6-12-2016. Mục tiêu của Chính phủ là tạo động lực để thúc đẩy CPH và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động, giải phóng nguồn lực của DNNN để tăng trưởng nhanh, bền vững hơn; giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình CPH.

Đi liền với những giải pháp trên là tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn DNNN trong quá trình CPH. Có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị DN thực chất, quy định trách nhiệm thực hiện cam kết của cổ đông chiến lược. Đặc biệt, cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi DN trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là căn cứ để DNNN hoạt động và hạch toán, không mập mờ nhiệm vụ chính sách và kinh doanh.

Về quản trị doanh nghiệp sau CPH cũng cần xác định rõ và thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm giữa hội đồng quản trị và ban giám đốc; phát huy vai trò của đại hội cổ đông trong tổ chức, điều hành công ty cổ phần. Đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp đối với cán bộ quản lý cũ khi họ không còn nắm giữ những chức vụ cũng như các trường hợp tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ mới.

Để đẩy nhanh tốc độ sắp xếp, cơ cấu lại CPH DNNN hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố đồng bộ trong nền kinh tế. Đó là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng... Trong đó, giải quyết tốt vấn đề “Lợi ích” và “Động lực” là yếu tố quyết định sự thành - bại của tiến trình này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích và động lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.