Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi bất cập hại

Nữ Quỳnh| 14/12/2016 06:15

(HNM) - Đã từ lâu, việc mua bán hóa đơn, chứng từ không còn là chuyện lạ. Ngay tại Hà Nội có thời điểm còn hình thành hẳn một “chợ ngầm” mua bán hóa đơn, chứng từ ở khu vực trước cửa Ga Hà Nội...


Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp chọn cách mua hóa đơn với mục đích bù trừ và cân đối giữa thuế "đầu vào", "đầu ra" để gian lận số thuế giá trị gia tăng phải nộp. Điều này hay xảy ra với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoặc những giao dịch kinh tế đơn lẻ ở một số lĩnh vực mà "đầu ra" thì có còn "đầu vào" thì thất thường, thiếu minh bạch nên cần hóa đơn khống, hóa đơn giả.

Thực ra, với cơ quan quản lý sẽ không khó để nhận biết được sự bất minh trong hành vi của doanh nghiệp khi hoạt động "đầu vào" không có hóa đơn mà "đầu ra" vẫn kê khai đủ thuế. Ngoài ra, còn có rất nhiều dấu hiệu bất thường khác liên quan đến nghiệp vụ tài chính mà bất cứ một kế toán hay nhân viên thuế nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Vấn đề chỉ còn là khi nào thì bị cơ quan quản lý “sờ gáy” mà thôi. Bên cạnh đó, còn chưa kể đến rủi ro phải đối diện với pháp luật khi đơn vị cấp khống hóa đơn hoặc hóa đơn giả bị cơ quan quản lý xử phạt. Tiếc là nhiều người nghĩ rằng chỉ có doanh nghiệp bán trái phép hóa đơn mới sai và cố tình lờ đi việc cá nhân, tổ chức mua hóa đơn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể nói, khi quyết định bỏ tiền mua hóa đơn khống, hóa đơn giả cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự bỏ tiền mua rủi ro. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có doanh nghiệp lựa chọn cách thức nguy hiểm này? Lời giải đáp có lẽ thuộc về khía cạnh chính sách.

Thời gian gần đây, cùng với sự hội nhập mạnh mẽ với quốc tế thì các cơ chế về hoạt động kinh tế trong nước cũng ngày càng thông thoáng hơn nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, mặt trái là doanh nghiệp “ma” xuất hiện ngày càng nhiều hơn, không ít đơn vị được thành lập ra chỉ với mục đích để giao dịch lòng vòng nhằm hợp thức hóa những hoạt động "đen" hay buôn bán hóa đơn trái phép, xuất khống để thu lợi bất chính. Hoặc như việc trao quyền cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn khi cơ quan thuế không còn bán và không chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành tuy được coi là một bước đột phá về quản lý, song tạo ra kẽ hở để các đối tượng lợi dụng gian lận thuế. Có những doanh nghiệp “ma” đã lợi dụng sự thông thoáng này để phát hành hóa đơn, kiếm lời bất chính, sau đó bỏ trốn...

“Lợi bất cập hại" - thật đúng với những doanh nghiệp vì cái lợi trước mắt bất chấp pháp luật sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn khống, nhưng việc này không chỉ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp phá sản, ông chủ phải ngồi tù, mà còn làm ảnh hưởng tới cả "sức khỏe" của nền kinh tế.

Ngăn chặn những bất cập nêu trên, giải pháp chính vẫn là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng để "uốn" hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quỹ đạo lành mạnh của pháp luật. Chỉ khi ấy, những tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung mới thật sự bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi bất cập hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.