Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay chờ cơ chế đột phá

Mai Hà| 04/11/2016 06:28

(HNM) - Theo định hướng, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sẽ trở thành một thành phố thông minh, đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội vào năm 2018. Tuy nhiên, ngược lại với dòng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNC đang ồ ạt vào Việt Nam, Khu CNC Hòa Lạc ít thu hút được sự chú ý. Bài toán về cơ chế đột phá cho mô hình


18 năm vẫn loay hoay chuyện mặt bằng

Được thành lập từ năm 1998 với quy hoạch tổng thể trên tổng diện tích hơn 1.500ha, Khu CNC Hòa Lạc được định hướng xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích, được xác định là trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNC tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp CNC, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNC. Vì vậy, chuyển sang giai đoạn tập trung phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH-CN), Khu CNC Hòa Lạc đang rất cần những chính sách đặc thù để tháo gỡ toàn bộ khó khăn từ trước đến nay, bảo đảm huy động tối đa các nguồn lực, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của nhà đầu tư.

Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc.



Theo ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH-CN, Khu CNC Hòa Lạc được đánh giá là đang trong giai đoạn chuyển biến và có dấu hiệu tốt hơn so với giai đoạn trước. Bước tiếp theo là làm thế nào để sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc thu hút được các nhà đầu tư làm nhiệm vụ phát triển tiềm lực KH-CN thông qua các dự án về đầu tư, nghiên cứu và sản xuất tại đây.

Để được như định hướng phát triển, Khu CNC Hòa Lạc phải hội tụ đủ các yếu tố như quy hoạch phát triển dài hạn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu hỗ trợ, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cơ chế ưu đãi và chính sách đầu tư tốt. Tuy nhiên, sau 18 năm xây dựng và phát triển, đến nay Khu CNC Hòa Lạc vẫn loay hoay tháo gỡ khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Trước đây Khu CNC Hòa Lạc nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) nên đơn giá đền bù có sự chênh lệch lớn so với sau khi hợp nhất Hà Nội. “Trước đây chúng tôi giải phóng mặt bằng khu vực 200ha đầu tiên, vào khoảng năm 2002-2004 chỉ mất 60 tỷ đồng, nhưng giờ phải tính đến con số mấy nghìn tỷ đồng, tức là trung bình 5 - 10 tỷ đồng/ha tùy từng vị trí”, ông Phạm Đại Dương cho biết.

Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây của UBND TP Hà Nội cũng cho thấy, Khu CNC Hòa Lạc đã hai năm liên tiếp không thu hút được thêm dự án FDI nào. Một số dự án FDI trong lĩnh vực CNC đã chọn những điểm đến lân cận là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, thay vì chọn Khu CNC Hòa Lạc.

Chưa phát huy được thế mạnh thu hút đầu tư

Công ty Điện tử Noble Việt Nam thuộc Tập đoàn Tsushin Kogyo (Nhật Bản) đã đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử dùng trong máy ảnh, máy quay kỹ thuật số, người máy… tại Khu CNC Hòa Lạc từ năm 2005. Hiện Noble đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, các loại thuế song lãnh đạo công ty vẫn cho biết, những ưu đãi này chưa đủ để Noble phát huy thế mạnh cũng như thu hút các nhà đầu tư đến với Khu CNC này.

Ông Horaguchi Hiroshi, Tổng Giám đốc Noble Việt Nam cho rằng: Cơ chế đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới, ươm tạo, đào tạo, chuyển giao, thương mại hóa và phát triển sản phẩm CNC của các nhà đầu tư. Đó là mong mỏi của Noble Việt Nam cũng như nhiều nhà đầu tư đang hướng đến Hòa Lạc. Còn theo ông Tạ Ngọc Cầu, Giám đốc Trường Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc: Khó khăn lớn nhất là cơ chế chính sách, phải tạo được những điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển thì mới thu hút được nhà đầu tư.

Xuất phát từ việc giải quyết những khó khăn vướng mắc đối với sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ KH-CN xây dựng Nghị định ban hành cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Theo đó, dự thảo Nghị định lần này gồm 6 chương và 31 điều tập trung vào tạo điều kiện thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, các chính sách ưu đãi đầu tư cho Khu CNC Hòa Lạc bảo đảm vượt trội hơn các địa bàn khác và khả thi trong thực tiễn, đồng thời có giải pháp để xử lý ưu đãi cho các nhà đầu tư đã hoạt động trong Khu CNC. Dự thảo có quy định nêu rõ thẩm quyền của Ban Quản lý và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý theo phương châm ủy quyền tối đa để thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng nhấn mạnh tới các biện pháp khuyến khích, thu hút nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xác lập cơ chế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng.

Trong khi chờ cơ chế được ban hành, Ban Quản lý Khu CNC đã triển khai nhiều hoạt động như thành lập các phòng thí nghiệm, các khu nghiên cứu để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp; thành lập trung tâm dịch vụ CNC nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ để phát triển sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay chờ cơ chế đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.