Được chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị khoa học - công nghệ, giáo dục hiện đại mang tầm khu vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển của Hà Nội cũng như cả nước.
Định vị tầm nhìn mới
Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể từ năm 1998 với mục tiêu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước. Theo đó, nơi đây được xây dựng và phát triển như một đặc khu, trọng tâm là gắn kết giữa khoa học và sản xuất.
Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện có quy mô 1.586ha với các khu đô thị vệ tinh xung quanh. Khu hiện đã có hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ cùng môi trường chính sách đặc biệt để thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Thống kê mới nhất, đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 108 dự án đầu tư (bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.900 tỷ đồng. Tỷ lệ dự án đăng ký đầu tư tại Khu chiếm gần 40% diện tích đất. Trong số đó, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 15.000 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, con số này rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh việc đầu tư phát triển một mô hình mới như Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ngày 24-11-2023, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây là điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh nội dung: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc”.
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, hiện đang chờ được phê duyệt, thành phố định hướng phát triển 2 vùng động lực Thủ đô, trong đó khu vực thành phố phía Tây là thành phố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tại đây, đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao; nơi tập trung trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trung tâm thí nghiệm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao, cùng doanh nghiệp đến làm việc, sinh sống. Trong đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được tiếp cận từ góc độ là một quận công nghệ cao, công nghệ xanh của thành phố.
“Khu công nghệ cao Hòa Lạc được định hướng phát triển theo mô hình mở, là hạt nhân xây dựng và thúc đẩy thành phố Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước” - GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô kỳ vọng.
Tiếp tục “gỡ khó” và dành cơ chế tương xứng
Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng đô thị sáng tạo, đổi mới Hòa Lạc.
Giai đoạn trước mắt, thành phố đã có nhiều hoạt động quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Ngày 10-5-2024, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị đối thoại với sự tham dự của khoảng 100 doanh nghiệp, tổ chức đang đầu tư, hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Một số khó khăn, vướng mắc được nêu tại Hội nghị có thể không mới và đã được Ban Quản lý nhiều lần báo cáo với cấp có thẩm quyền và các đơn vị có liên quan nhưng việc đích thân lãnh đạo thành phố Hà Nội trực tiếp đối thoại, lắng nghe các nhà đầu tư thật sự là một cơ hội quý báu, không chỉ cho các nhà đầu tư trong Khu mà cho cả Ban Quản lý.
Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2017, Công ty Cổ phần DT&C VINA hiện đã “ăn sâu bén rễ” cùng cộng đồng các doanh nghiệp nơi đây. “Chúng tôi nhận thấy khu vực này được quy hoạch với mức độ chuyên môn hóa cao, rất phù hợp với lĩnh vực kiểm định chất lượng kỹ thuật số quốc gia của công ty chúng tôi. DT&C VINA cũng nhận được các ưu đãi về chính sách thuế của nhà nước, cùng với sự hỗ trợ nhiều mặt từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Vị trí khu vực này cũng rất thuận lợi để chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác quanh khu vực Hà Nội” - ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc Công ty cho hay.
Được biết, ngay sau Hội nghị “gỡ khó” nêu trên, Ban Quản lý đã phối hợp với các nhà mạng viễn thông đến kiểm tra, khảo sát thực tế tình trạng sóng di động tại Công ty để đề xuất giải pháp khắc phục trước mắt trong khi chờ bổ sung các trạm BTS trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, thành phố đã bố trí bổ sung tuyến xe buýt mới kết nối đến nơi đây để hỗ trợ việc đi lại của người lao động và người dân.
“Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua, trao thêm nhiều quyền tự chủ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong đầu tư, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc và nhiều cơ chế mới về phát triển khoa học - công nghệ. Do đó, chúng tôi mong muốn được đầu tư hơn nữa về hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng chung, và có thêm những phúc lợi, ưu đãi đối với người lao động và doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Qua đó, có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc lâu dài” - ông Kang Moon Kyung bày tỏ.
TS Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) phân tích, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến tiềm năng, điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn của các Tập đoàn công nghệ từ Trung Quốc. Do đó, nếu Khu công nghệ cao Hòa Lạc được phân cấp, phân quyền, có chiến lược thu hút đầu tư hấp dẫn, cùng với các thể chế đầu tư vượt trội sẽ là điểm thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao vào Thủ đô Hà Nội. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm, đô thị khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục của vùng động lực phía Tây của thành phố, có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn đến tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn vùng.
Ý thức được vai trò đặc biệt nêu trên, chính quyền thành phố đã nhiều lần cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng. Hiện các cấp chính quyền, đơn vị, sở, ngành đang tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt, thành phố tập trung chỉnh trang cảnh quan, hạ tầng và cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư; hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.