(HNM) - “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” là định đề đã được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các văn bản pháp lý của Việt Nam cũng như quốc tế.
Việt Nam sở hữu nhiều tài liệu lịch sử quý giá khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo trên. Đó là những cuốn thư tịch cổ, những bia chủ quyền, những bản đồ và tập bản đồ cổ xuất bản trong và ngoài nước, thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, những gia phả dòng họ, những văn bản pháp lý của các chính thể liên quan đến quản lý nhà nước của Việt Nam trong lịch sử và hiện tại đối với hai quần đảo trên. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai cuộc triển lãm tại Đà Nẵng năm 2013 và tháng 1-2014 cho thấy, Việt Nam đang sở hữu gần 200 bản đồ (chủ yếu là bản đồ gốc) nhiều tập Atlas, hàng trăm cuốn sách được xuất bản tại các nước phương Tây trong thế kỷ XVIII-XIX bằng các ngôn ngữ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp nhận Bộ bản đồ Atlas thế giới Bruxelles - 1827 của Philippes Vandermaelen, Việt Nam có thêm bằng chứng quan trọng khẳng định vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Điều quan trọng là các tư liệu có giá trị lịch sử và khoa học trên khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam và bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ những tài liệu và chứng cứ lịch sử, pháp lý trên có thể khẳng định rằng, Hoàng Sa, Trường Sa luôn luôn là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Qua các thời kỳ, Việt Nam đã thực thi và thực thi pháp luật lâu dài đối với hai quần đảo này. Nhiều quốc gia đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua và áp dụng Luật Biển Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý quan trọng của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế, một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa - được quốc tế công nhận.
Chứng cứ quan trọng khác là ký ức lòng dân đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Vụ việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò địa chất Bình Minh II năm 2012 và việc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam tháng 5-2014 cùng với những hành động gây hấn bất chấp luật pháp quốc tế của 86 tàu, trong đó có cả tàu quân sự của Trung Quốc đối với các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam cho thấy, những mưu đồ đen tối của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước mưu đồ đen tối ấy cả gần trăm triệu người Việt Nam trong nước và kiều bào đều sẵn sàng vì Hoàng Sa và Trường Sa có những đóng góp quý báu kể cả máu xương để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 của Trung Quốc được hạ đặt cách điểm cơ sở là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý, cách đảo Tri Tôn (một đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý. Động thái trên của Trung Quốc nhằm một số mục tiêu chính như sau: Làm dịu bớt tình hình căng thẳng trong nước Trung Quốc thời gian gần đây; buộc Việt Nam đi vào đàm phán thực chất về vùng cửa biển Vịnh Bắc bộ; kích động dư luận làm tổn hại chính sách hòa bình của Việt Nam; thăm dò phản ứng của dư luận khu vực và quốc tế đối với việc Trung Quốc dần dần khẳng định quyền kiểm soát thực tế 80% diện tích Biển Đông; là một trong những bước đi thực tế thực thi thử nghiệm chiến lược “xây dựng cường quốc biển” và “giấc mộng Trung Hoa” của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết”.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa cho rằng, là nước đã ký Công ước biển Liên hợp quốc, Trung Quốc cần phải hành xử theo các Điều 74, 83 của Công ước, phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng.
Thủ đoạn và hành động của Trung Quốc là thâm độc nhưng chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa luôn được sức mạnh lòng dân, sức mạnh đoàn kết của gần trăm triệu người Việt Nam bảo vệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.