Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản: Vẫn rời rạc, hiệu quả thấp

Ngọc Quỳnh| 04/12/2017 06:45

(HNM) - Thời gian qua, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn yếu, rời rạc và hiệu quả thấp.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản và bảo đảm đầu ra bền vững. Ảnh: Tuổi trẻ


Mối liên kết chưa hoàn chỉnh

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 400 chuỗi liên kết, nhưng đa số chưa hoàn chỉnh dẫn tới hiệu quả thấp. Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết: Hiện mối liên kết từ sản xuất đến chế biến còn rời rạc, chưa có những mô hình cụ thể; việc ràng buộc trách nhiệm của các bên còn yếu. Nguyên nhân do người dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, không tuân thủ quy trình để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát kiểu “mạnh ai nấy làm” nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung với lượng sản phẩm lớn và ổn định. Đặc biệt, còn tình trạng người dân phá vỡ liên kết khi tự ý bán cho thương lái với giá cao hơn trong hợp đồng với doanh nghiệp.

Chia sẻ khó khăn trong mối liên kết với nông dân, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, hiện doanh nghiệp ký kết với hợp tác xã và nông dân cung cấp rau, củ, quả, thịt với số lượng ổn định và giá điều chỉnh theo thị trường. Tuy nhiên, một số hộ vì lợi nhuận trước mắt, đã bán sản phẩm ra ngoài với giá cao để hưởng chênh lệch, khiến doanh nghiệp "dở khóc, dở cười" vì không đủ lượng gom theo đơn đặt hàng nên bị đối tác hủy hợp đồng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng...

Không chỉ yếu ở khâu sản xuất, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết cũng gặp khó khăn khi không thể thu mua đồng loạt sản phẩm thời điểm vụ thu hoạch để chế biến tinh phục vụ xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị. Trao đổi về vấn đề này, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết: Hiện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhìn chung còn yếu kém về năng lực liên kết với nông dân, với các đối tác, chưa có khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường, thiếu thông tin về các rào cản kỹ thuật và các quy định thương mại quốc tế. Ngoài ra, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp nông, lâm, ngư nghiệp còn thấp; 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc đã hết khấu hao, dẫn tới khó khăn trong chế biến. Đa số doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ lẻ, còn hạn chế trong định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ; thiếu vốn để phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Ông Lê Xuân Hảo (Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - Bộ NN&PTNT) nhận định: Thực tế, nông sản an toàn không thiếu thị trường, chỉ là doanh nghiệp có biết cách làm hay không. Đơn cử, để chế biến được một tấn bột thanh long phải huy động hàng nghìn tấn thanh long tươi. Thế nhưng, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp chưa đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng chế biến đáp ứng nhu cầu này...

Cần bảo đảm chặt chẽ toàn chuỗi

Để tháo gỡ khó khăn trong các khâu liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho rằng: Nhà nước nên có những chính sách đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi về vốn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài đẩy mạnh khâu tiêu thụ. Đối với sản xuất, chính quyền địa phương cùng với hợp tác xã cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ người dân trong canh tác nhằm hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, yêu cầu người dân ký cam kết không bán sản phẩm ra ngoài khi giá lên cao. Đối với doanh nghiệp, cần thu mua hết nông sản cho người dân vào vụ thu hoạch theo các điều khoản đã ký trong hợp đồng và thanh toán tiền theo đúng quy định để không xảy ra tình trạng người dân mất niềm tin đối với doanh nghiệp...

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, liên kết sản xuất là một nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhưng vẫn còn yếu và chưa đồng bộ ở các khâu. Hiện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn và Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, thực phẩm an toàn giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân; đồng thời, hoàn thiện Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn Việt Nam” để các bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, trọng tâm là xây dựng thí điểm Trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn Việt Nam theo vùng và liên vùng để tiêu thụ nông sản cho người dân; cần giám sát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Để làm được việc này, quan trọng là phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định; đồng thời, nâng cao nhận thức của hợp tác xã và xã viên về liên kết chuỗi. Qua đó, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm và bảo đảm "đầu ra" ổn định, bền vững, hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản: Vẫn rời rạc, hiệu quả thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.