Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi: Nhiều “nhà” hưởng lợi

Ngọc Quỳnh| 18/09/2013 06:22

(HNM) - Người chăn nuôi đang gặp khó khăn bởi một nghịch lý: Giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã nhưng giá bán tại các trang trại rất thấp khiến cho nhiều hộ phải treo chuồng.



Mặc dù vậy, trên thị trường, sản phẩm bán tới tay người chăn nuôi vẫn có giá rất cao và người hưởng lợi chính là các thương lái. Xây dựng chuỗi liên kết "ba nhà" để giải quyết nghịch lý này đã phát huy hiệu quả nhưng khi triển khai rộng gặp nhiều khó khăn.

Người chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Khánh Nguyên


Thiết thực nhưng còn khó khăn

Hiện nay, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn tại Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ… song hộ chăn nuôi không yên tâm trước cảnh sản phẩm tiêu thụ bấp bênh nên chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Thực tế, giữa các nhà tiêu thụ sản phẩm và người chăn nuôi chưa có tiếng nói chung, thiếu cầu nối để bàn giải pháp liên kết, tiêu thụ.

Trước thực trạng này, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm từ sản xuất tới bàn ăn. Hiện đơn vị đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất trứng gà sạch Tiên Viên với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 70.000 quả/ngày và 90 cửa hàng tiêu thụ; chuỗi liên kết thịt lợn hữu cơ sinh học ở Sóc Sơn với 10 cửa hàng tại các quận và chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa. Năm 2013, trung tâm tiếp tục xây dựng 8 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm gồm: Gà đồi (Ba Vì, Sóc Sơn); vịt cỏ Vân Đình (Ứng Hòa); trứng vịt Liên Châu (Thanh Oai); vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên)...

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, việc xây dựng chuỗi liên kết đã thực sự phát huy hiệu quả nhưng còn gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, trong khi đó các doanh nghiệp (DN) chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với TT lớn. Ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ) cho biết, từ năm 2011 đến nay, công ty đã xây dựng chuỗi liên kết với 8 trại chăn nuôi khép kín quy mô 40.000 gà hậu bị, 35.000 gà đẻ cung cấp cho thị trường trên 30.000 trứng/ngày. Công ty đã thu hút từ 15 đến 20 hộ chăn nuôi gia cầm tại địa phương tham gia vào chuỗi sản xuất và các trại này đã cung cấp thường xuyên gần 45.000-50.000 trứng/ngày. Nhìn chung, tại mỗi khâu của quy trình vẫn còn hạn chế do sản lượng tiêu thụ chưa tăng mạnh, chưa có quy trình chăn nuôi thống nhất cho tất cả các trại, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Quá trình phân loại trứng, dán tem và đóng hộp vẫn theo phương thức thủ công, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Trong khâu phân phối, công ty chưa mở rộng được thị trường, chủ yếu mới tập trung tại một số ít quận, siêu thị, nhà hàng… với số lượng tiêu thụ nhỏ so với khả năng sản xuất trứng của công ty (1,5 triệu quả trứng/tháng).

Đâu là giải pháp?

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, để mỗi khâu trong chuỗi liên kết thực sự phát huy giá trị cần hình thành vùng sản xuất nguyên liệu ổn định tại các TT quy mô lớn, có nguồn gốc sản phẩm rõ ràng và Nhà nước phải là "nhạc trưởng", là khâu trung gian giúp các DN trong việc ký kết hợp đồng với hệ thống siêu thị, cửa hàng để đầu ra ổn định.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho rằng, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ. Các TT chăn nuôi, DN cần quan tâm tới việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; cần có sự phối hợp, phân công giữa các khâu để quy rõ trách nhiệm và có sự ràng buộc rõ ràng để khi xảy ra sự cố về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể xác định lỗi ở khâu nào để xử lý theo quy định.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần có sự minh bạch, công khai trong việc chia sẻ lợi nhuận để các bên cùng có lợi mới liên kết bền vững. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm là cánh cửa để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, do đó Nhà nước cần hỗ trợ cho các DN, TT chăn nuôi xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, nếu để DN tự làm sẽ loay hoay và gặp khó khăn. Các địa phương cần xây dựng nhiều điểm tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thành các chợ đầu mối kinh doanh, hệ thống phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người chăn nuôi ổn định đầu ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi: Nhiều “nhà” hưởng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.