(HNM) - Diễn đàn “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” tổ chức trong hai ngày 8 và 9-8 với hàng loạt sự kiện được xem là một bước khởi động lại hoạt động kết nối hợp tác phát triển du lịch của các địa phương để đón “những luồng gió mới”. Liên kết là xu hướng tất yếu với ngành Du lịch, nhưng liên kết từ đâu và phương pháp như thế nào vẫn là câu chuyện cần bàn.
Trước hết, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, xã hội hóa cao, chứa đựng dung lượng văn hóa lớn và tạo động lực phát triển cho nhiều ngành kinh tế khác, do vậy, hai chữ “liên kết” luôn gắn chặt với ngành này. Vấn đề này còn được đặt ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang đầu tư phát triển “công nghiệp không khói”, cạnh tranh trực tiếp với du lịch Việt Nam.
Thế nên, liên kết là một đòi hỏi từ thực tế để nâng cao năng lực tự thân, giúp đối mặt với những thách thức mới.
Từ nhiều năm trước, các vấn đề liên kết đã được đặt ra với ngành Du lịch. Đó là sự cần thiết của việc hình thành một chiến lược phát triển nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, tạo sản phẩm có sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Nhiều mô hình liên kết đã được tạo lập và phát huy hiệu quả. Thành công ấn tượng phải kể đến hoạt động “ba địa phương - một điểm đến” của Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với việc tạo điểm đến chung cho những sự kiện có quy mô lớn như “Festival Huế”, “Cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng” hay “Cuộc thi Hợp xướng quốc tế” tại Quảng Nam…, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những mô hình như vậy không nhiều, đặc biệt liên kết vùng trong phát triển du lịch còn hạn chế.
Chưa có nhiều hoạt động liên kết, chưa có quy hoạch sản phẩm đặc thù nên không gian du lịch bị cắt khúc, không phát huy được thế mạnh riêng có của từng vùng, thậm chí còn tạo ra cạnh tranh giữa các địa phương. Tình trạng phát triển ồ ạt du lịch cộng đồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc với một mô hình: Ngủ nhà sàn, ăn cá nướng, xem văn nghệ cải biên… là một ví dụ. Việc tận dụng thiên nhiên, khai thác sản phẩm sẵn có, thiếu đầu tư dài hạn… cho thấy hoạt động “khép kín” và sự thiếu chuyên nghiệp trong phát triển du lịch của nhiều địa phương.
Để tăng cường liên kết, đặc biệt là liên kết vùng trong phát triển du lịch, trước hết các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cho phương thức này; quy hoạch các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương, mỗi vùng du lịch; hình thành thể chế quản trị, điều phối chung... Trong liên kết, cần chú trọng triển khai các giải pháp kết nối thị trường, hợp tác giữa các doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông… qua đó phát triển các chuỗi giá trị ngành Du lịch cũng như sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi vùng.
Cùng với việc đầu tư bài bản cơ sở hạ tầng, kết nối vùng miền, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, mỗi địa phương, trên nền tảng các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử…, cần tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Từ đó hình thành các chuỗi giá trị, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Khi biên giới du lịch giữa các địa phương bị xóa nhòa, liên kết vùng là một giải pháp hữu hiệu tạo ra điểm đến chung trong sự đa dạng sản phẩm, dựa trên lợi thế riêng có của mỗi vùng miền. Liên kết vùng trong phát triển du lịch chính là gia tăng nguồn lực, chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.