(HNM) -
Gần 40 địa chỉ với tính chất không gian sáng tạo là con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của mô hình này tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự nảy nở của các không gian sáng tạo cũng cho thấy mô hình này cần điều kiện tốt hơn để phát triển bền vững.
Tại không gian sáng tạo Heritage Space. |
Nhanh, đa dạng...
Hội đồng Anh tại Việt Nam là tổ chức đưa ra những nghiên cứu ban đầu rất đáng chú ý về không gian sáng tạo ở Việt Nam, hiện tập trung nhiều tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, nói về sự ra đời của mô hình này, giới truyền thông và các nhà nghiên cứu đều cơ bản nhận thấy bối cảnh đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cùng sự phát triển vũ bão của internet đã tạo môi trường thuận lợi cho ngành sáng tạo phát triển.
Bằng sự quan sát thông thường cũng có thể thấy hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra tại các không gian sáng tạo ngày một nhiều hơn, cả trên internet cũng như ở các địa chỉ thực tế. Nhiều nhất là không gian âm nhạc thể nghiệm, làm phim, thiết kế, văn hóa đọc... Nhờ mô hình này, nghệ sĩ và công chúng có thêm địa chỉ để sáng tạo và thụ hưởng các thành quả sáng tạo nghệ thuật. Liên hoan phim trực tuyến "Yxineff" là một ví dụ, bắt đầu từ ý tưởng tập hợp các nhà làm phim trẻ với những tác phẩm ngắn đầu tay..., đến nay, sân chơi này ít nhiều đã tạo được dấu ấn trong đời sống điện ảnh, thu hút nhiều nghệ sĩ uy tín của nghệ thuật thứ bảy nước nhà vào ghế giám khảo... Buổi ra mắt sách của đạo diễn điện ảnh Việt Linh tối 10-12 cũng diễn ra tại một không gian sáng tạo mang tên "Heritage Space". Ở đó có những giá sách lớn làm nền, một khán phòng vài chục ghế phục vụ cho các buổi trò chuyện, một sảnh rộng cho triển lãm mỹ thuật... Nhiều hoạt động ra mắt sách, phim mới, triển lãm, trò chuyện văn học... cũng diễn ra nhiều hơn ở những không gian sáng tạo như vậy, ít nhiều tạo cảm hứng mới lạ và mang lại các cơ hội tiếp cận văn hóa cho công chúng.
Như trên đã nói, các không gian sáng tạo ở Việt Nam ra đời với mô hình không giống nhau, có thể là không gian làm việc chung kết nối những người cùng sở thích, hoặc là một cơ sở đào tạo, một địa điểm chào đón ý tưởng sáng tạo, diễn đàn chia sẻ thông tin trực tuyến hay địa điểm trò chuyện thảo luận của những người hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo và người yêu văn hóa...
Các tiêu chí nhận diện không gian sáng tạo mà Hội đồng Anh đưa ra là "kết nối", "sáng tạo" và "có định hướng kinh doanh". Để rõ hơn có lẽ phải xác định các không gian sáng tạo có điểm chung đầu tiên là do các cá nhân, nhóm cá nhân, hoặc tổ chức lập nên và hoạt động vì mục tiêu sáng tạo, kết nối cộng đồng và kinh doanh nhằm hỗ trợ cho sự hoạt động của mô hình. So với thời điểm mới ra đời, quãng năm 2008 - thường thì các mô hình phải tìm kiếm hoặc phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ các tổ chức văn hóa quốc tế, đến nay, sự tồn tại và tổ chức hoạt động đã rõ tính độc lập hơn.
Phát triển bền vững để tạo giá trị hữu ích cho cộng đồng
Không gian sáng tạo là nơi góp phần khai phóng năng lượng sáng tạo của con người, khuyến khích giới trẻ sống đẹp, lành mạnh và làm nhiều việc có ích cho cộng đồng. Tại buổi gặp gỡ tại Hà Nội, nhóm các bạn trẻ của "Hà Nội Grapevine" cho biết, họ xây dựng địa chỉ này với mục tiêu chia sẻ, tìm kiếm thông tin về hoạt động văn hóa ở Hà Nội. Bên cạnh đó, mô hình "Zó Project" của một nhóm bạn trẻ khác, từng du học tại Pháp, lại có ý tưởng phát triển các sản phẩm giấy dó truyền thống của Việt Nam; đồng thời tạo ra môi trường tìm hiểu về nghề làm giấy, các triển lãm, sự kiện văn hóa liên quan đến giấy dó...
Bên cạnh đó không gian sáng tạo cũng góp phần tạo ra việc làm cho cộng đồng; ít nhiều tạo dựng bản sắc cho thành phố, đô thị lớn. "Nhà ga 3A" ở quận 1 TP Hồ Chí Minh không chỉ là điểm đến thú vị cho nghệ sĩ, mà còn là địa chỉ đáng chú ý về sản phẩm thủ công địa phương đối với du khách khắp nơi...
Tuy nhiên, các không gian sáng tạo đang hoạt động trong tình trạng "dò đường", ít nhiều bấp bênh do thiếu kinh nghiệm quản lý nghệ thuật, sự bất ổn về tài chính và các điều kiện pháp lý... Một số không gian hoạt động có lợi nhuận, một số phi lợi nhuận. "Saigon Hub" là mô hình không gian sáng tạo đã phải đóng cửa sau một năm hoạt động vì giá tiền thuê nhà quá cao. Không gian "Zone 9", nơi thu hút đông đảo giới trẻ Hà thành cũng không thể tiếp tục hoạt động do vướng những vấn đề mang tính pháp lý cũng như điều kiện bảo đảm an toàn.
Đây là điều mà chủ các không gian sáng tạo đều nhận ra. Như người sáng lập "Nhà ga 3A" thì "nâng cao kỹ năng kinh doanh và quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật cho các chủ không gian là rất cần thiết, để mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thị trường có thể trở nên chuyên nghiệp hơn". Một ý kiến khác cho rằng: "Ở Việt Nam có quá ít người có kỹ năng quản lý nghệ thuật, mà thiếu những kỹ năng này thì những công việc đơn giản cũng có thể trở nên rất phức tạp". Các chủ không gian sáng tạo cũng mong muốn có sự chia sẻ và ủng hộ nhiều hơn từ chính quyền địa phương đối với mô hình của họ. Một vấn đề khác, được nhiều người đề cập, đó là thay vì mạnh ai nấy đi, các không gian sáng tạo cần chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với nhau nhiều hơn trong sáng tạo và tổ chức hoạt động...
Sự xuất hiện của các không gian sáng tạo là một thực tế khách quan, đòi hỏi các nhà quản lý, nhà nghiên cứu quan tâm hơn để mô hình này hoạt động an toàn, đúng pháp luật và tạo ra ngày càng nhiều giá trị hữu ích cho cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.