Du lịch

Phát triển di sản kiến trúc trở thành không gian sáng tạo:Góp phần thu hút du khách đến với Hà Nội

Hoàng Quyên 08/11/2024 - 06:16

Với bề dày lịch sử hơn 1000 năm, Hà Nội sở hữu hệ thống di tích, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống phong phú. Ngoài ra, thành phố có rất nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, có thể trở thành những không gian sáng tạo, được kỳ vọng tăng sức hút với du khách, góp phần phát triển kinh tế du lịch...

bao-tang.jpg
Bảo tàng Lịch sử quốc gia nằm trong “Giao lộ di sản” của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.

“Đánh thức” các di sản kiến trúc

Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản” với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Là một đô thị cổ giàu truyền thống văn hóa, Hà Nội còn có hệ thống di sản đô thị rộng khắp, trong đó nổi bật là các công trình kiến trúc như biệt thự cổ, nhà cổ, khu phố Pháp… Theo Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, đây là nguồn lực vô cùng phong phú để phát triển du lịch.

Từ lâu, thành phố Hà Nội luôn xác định, văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Trong nhiều năm qua, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô. Bên cạnh khai thác các di sản văn hóa, nhiều năm qua, những công trình kiến trúc có giá trị cũng được bảo tồn và khai thác, trong đó có những công trình trở thành điểm đến nổi bật. Điển hình là việc tôn tạo và phát triển khu vực vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) thành không gian văn hóa; tôn tạo ngôi nhà số 22 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) - trước kia là Hội quán Quảng Đông - thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật.

Gần đây nhất, ngôi biệt thự kiến trúc Pháp tại số 49 phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) đã trở thành không gian sáng tạo mới cho Thủ đô, là nơi tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm và biểu diễn nghệ thuật, thu hút đông người dân và du khách. Bên cạnh đó, rất nhiều đình, đền, chùa, nhà cổ của Hà Nội đang được khai thác thành điểm du lịch tiêu biểu, chẳng hạn như ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây; đình Đồng Lạc (38 phố Hàng Đào), đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc)…

Theo Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, việc bảo tồn, tu bổ các di sản kiến trúc đang được quận Hoàn Kiếm quan tâm, đẩy mạnh. Việc này không chỉ cải thiện không gian sống cho người dân trên địa bàn mà còn khởi nguồn sáng tạo mới. “Thách thức lớn nhất hiện nay là phải thực hiện tốt cả công tác bảo tồn cũng như khai thác, vận hành và duy trì những công trình này hiệu quả để trở thành không gian sáng tạo hấp dẫn, có sức hút với du khách một cách bền vững”, bà Trần Thị Thúy Lan cho biết.

Hình thành những giao lộ sáng tạo hấp dẫn

Năm 2023, Lễ hội thiết kế sáng tạo với chủ đề “Dòng chảy” làm bừng tỉnh nhiều di sản công nghiệp bị lãng quên giữa lòng đô thị hiện đại, điển hình như bốt nước Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm), thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan.

Năm nay, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc tổ chức với chủ đề “Giao lộ di sản” diễn ra từ ngày 9 đến 17-11, gợi mở những sáng tạo mới từ những công trình kiến trúc có tuổi đời trăm năm tại Hà Nội. Lần đầu tiên, những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Hà Nội là: Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (trước là Viện Viễn Đông Bác Cổ), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), Giảng đường Trường Đại học Khoa học tự nhiên (trước là Đại học Tổng hợp), Cung Thiếu nhi Hà Nội… được kết nối để tạo thành những giao lộ sáng tạo hấp dẫn, dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, Trưởng nhóm Kiến trúc của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 cho biết, giao lộ sáng tạo sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội, quy tụ gần 500 nghệ sĩ sáng tạo với hơn 100 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... “Giao lộ sáng tạo không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố”, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang cho biết.

Còn theo Tổng đạo diễn của lễ khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 Nguyễn Quốc Hoàng Anh, việc gợi mở những ý tưởng sáng tạo tại các di sản kiến trúc của Hà Nội mang đến những tiềm năng, cơ hội lớn để khai thác, phát triển, từ đó thành phố có thể định hướng trong việc phát huy giá trị của những di sản này bền vững và hiệu quả.

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội là một trong những hoạt động nổi bật mà thành phố Hà Nội cam kết tổ chức trong hoạt động của mạng lưới sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) năm 2024-2025. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhận định, cùng với rất nhiều hoạt động tôn vinh, phát huy di sản, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội góp phần định vị thương hiệu "Hà Nội - Thành phố Sáng tạo" trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó, tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển di sản kiến trúc trở thành không gian sáng tạo: Góp phần thu hút du khách đến với Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.