Những năm gần đây, tại Hà Nội, ngày càng có nhiều không gian sáng tạo, nhưng số mô hình về đọc sách rất hiếm.
Trong bối cảnh đó, dù không dễ để “nuôi” một câu lạc bộ (CLB) đọc sách đúng nghĩa nhưng một số “hiệp sĩ sách” vẫn kiên nhẫn từng ngày với “sứ mệnh” nâng cao văn hóa đọc mà mình theo đuổi. Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với đại diện của hai trong số các CLB đọc sách tại Hà Nội.
Bà Phan Lý, người sáng lập dự án Lymo Kid Books:
Cho sách một đời sống bền bỉ dưới nhiều hình thái khác nhau
Hiện nay, hệ thống thư viện ở nước ta đã có bước chuyển đáng chú ý. Tuy nhiên, về cơ bản đó vẫn là một không gian có rất nhiều sách; rất nhiều cuốn sách được quảng cáo sôi nổi khi mới ra mắt rồi lặng lẽ mất hút; không ít cuốn sách hay được xuất bản cách đây khoảng chục năm hiện tại rất khó tìm mua trên thị trường. Tất cả những điều này, theo tôi, là bởi sách thiếu một đời sống sôi nổi. Thiết kế hoạt động đọc và tổ chức các buổi đọc sách là một trong những cách để kéo dài đời sống của sách. Lymo Kid Books của chúng tôi ra đời với mong muốn phát triển và lan rộng các trải nghiệm đọc tương tác thông qua các buổi đọc được thiết kế cho trẻ từ 3 - 13 tuổi.
Mỗi buổi đọc của Lymo Kid Books được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc: “Kết nối người kể chuyện với cuốn sách”, ở đó mỗi người kể có sợi dây liên kết độc nhất với cuốn sách và sẽ truyền tải nội dung một cách thành thật, sống động, mang màu sắc riêng. Thứ hai là “Kết nối trẻ với sách” trên cơ sở tôn trọng nguyên tác và tạo ra các hoạt động sáng tạo để trẻ cảm nhận được niềm vui lấp lánh khi đọc sách, chủ động khám phá thế giới sách kỳ thú. Thứ ba, “Kết nối người kể chuyện với trẻ”; bởi mỗi trẻ là một cá thể độc lập với cá tính và nhu cầu tìm hiểu riêng nên cần xây dựng hình thức đọc phù hợp với từng độ tuổi và tâm lý mỗi trẻ.
Đội ngũ Lymo Kid Books không đơn thuần là người kể chuyện, mà còn là những người bạn đồng hành, khơi gợi niềm đam mê đọc sách và ươm mầm hạt giống tri thức trong tâm hồn trẻ nhỏ. Chúng tôi mong muốn góp phần nuôi dưỡng một thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị của sách, biến sách thành một người bạn đồng hành cùng người đọc.
Với những “sứ mệnh” đó, chúng tôi có những tiêu chí chọn sách riêng cho từng buổi đọc của mình, chứ không phải theo “gợi ý” của các đơn vị làm sách vì mục đích thương mại. Chúng tôi luôn đặt tiêu chí an toàn về mặt thể chất và tinh thần của trẻ lên hàng đầu trong việc lựa chọn sách cũng như tổ chức hoạt động đọc. Tiêu chí thứ hai là phải vui, bởi sự sinh động và hứng khởi mới mang lại trải nghiệm đọc khó quên cho trẻ. Và cuối cùng là sự lĩnh hội những thông điệp, kiến thức của cuốn sách. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu hai tiêu chí đầu tiên không có thì sẽ không bao giờ dẫn đến được tiêu chí thứ 3. Hiện nay, đã và đang có nhiều người quan tâm hơn đến các mô hình đọc, tôi hy vọng ngày càng có nhiều người cung cấp chương trình này để thực sự tạo được văn hóa đọc chứ không chỉ dừng ở phong trào đọc.
Bà Lê Thị Thùy Dương, Chủ nhiệm dự án “Sách nhà mình”:
Còn thiếu các hoạt động gợi mở và hướng dẫn đọc cho trẻ
Nếu coi “Sách nhà mình” là một “đứa con” thì đây chính là đứa con được tôi “thai nghén” lâu nhất. Trong những câu chuyện bất tận về gia đình, con cái với bạn bè của tôi, trong đó bao giờ cũng có chia sẻ “trẻ không thích đọc sách”. Thay vì gỡ rối cho từng nhóm bạn, tôi đã chia sẻ công khai trên mạng xã hội, mở ra một cộng đồng đọc giống như cách tôi đã và đang làm với gia đình của tôi. Và, “Sách nhà mình” đã ra đời với mong muốn giới thiệu các cuốn sách chất lượng về nội dung, câu từ, hình ảnh từ các nhà xuất bản uy tín; xây dựng văn hóa đọc có định hướng cho các gia đình xuyên suốt 4 chủ đề văn học - nghệ thuật - khoa học - kỹ năng; nuôi dưỡng văn hóa đọc bằng các hoạt động chuyên sâu với sự cố vấn của các chuyên gia, các nhà xuất bản.
Khác với các không gian đọc có địa điểm cụ thể, “Sách nhà mình” hướng đến các nhà trường với hình thức tổ chức hoạt động theo sự kiện, theo chủ điểm. Trước đây, khi tổ chức nhóm đọc “Kết nối sách nhà mình” để chia sẻ và hướng dẫn các gia đình đọc sách cùng con, tôi nhận ra rằng, nếu chỉ chia sẻ với các gia đình thì hoạt động đó vẫn mang tính đơn lẻ.
Vì vậy, dự án “Sách nhà mình” hướng tới trường học với sự kết nối của các đơn vị xuất bản, chủ yếu là NXB Kim Đồng bởi đây là đơn vị chuyên về sách thiếu nhi với nhiều đầu sách hay, có ý nghĩa. Như trường hợp Trường THPT Nguyễn Huệ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tin tưởng giao “nhiệm vụ” tổ chức hoạt động thư viện cho “Sách nhà mình”. Đây là ngôi trường dân lập không có không gian thư viện, do đó, “Sách nhà mình” đã xây dựng mô hình thư viện về tận lớp theo tầm nhìn 3 năm. Mỗi lớp một giỏ sách riêng, sau mỗi tuần giỏ sách lại được luân chuyển và trong vòng 36 tuần không trùng lặp đầu sách nào, đảm bảo học sinh luôn có sách hay, sách mới để đọc. Ngoài việc thiết kế tủ sách, điều hành luân chuyển giỏ sách, “Sách nhà mình” còn tổ chức các buổi tọa đàm về đọc, giới thiệu sách...
Hiện nay, chúng tôi đang cùng tổ chức các chương trình “Cùng tôi trong tiếng Việt quay về” - một chủ điểm trọng tâm sẽ đi sâu, phát triển và lan tỏa rộng rãi trong thời gian tới. Thông qua các hoạt động tương tác như nối từ, giải ô chữ bí mật, thả thơ, bình thơ..., “Sách nhà mình” đưa bạn đọc đến với các thể loại văn chương Việt và câu chuyện về chữ viết của dân tộc ta. Thông điệp mà chương trình muốn hướng tới đông đảo độc giả các lứa tuổi bước đầu đơn giản chỉ là nói, đọc, viết tiếng Việt đúng, đẹp và hay - điều tưởng chừng đơn giản nhưng hiện nay, số đông lại mắc phải lỗi này.
Hướng đến nhà trường, song các chương trình của “Sách nhà mình” khuyến khích các bậc phụ huynh tham gia với mong muốn tạo thế "kiềng ba chân": Gia đình - nhà trường - xã hội. Thực tế, trẻ em hiện đang thiếu các hoạt động mang tính gợi mở và hướng dẫn đọc. Nhiều trẻ còn chưa được biết tác phẩm hay như thế nào mà người lớn lại đưa ra những cách tiếp cận bất hợp lý, kiểu như “sách này hay đấy, bố mẹ mất bao tiền mua đấy, đọc đi!”, “sách này có trong chương trình thi đấy!”.
Tôi thường tranh luận với mọi người, cả với các con mình, về cách giúp trẻ tiếp cận với sách. Như tặng sách chẳng hạn. Tôi biết không ít trẻ không hào hứng, không thích được tặng sách trong dịp lễ tết, nhưng tôi vẫn kiên trì vì tin rằng, tặng sách cho 10 bạn mà chỉ 1 bạn trân trọng thôi thì cũng đã là thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.