(HNM) - Cách đây ngót chục năm, dư luận xã hội tỏ ra băn khoăn vì rất nhiều học sinh các bậc học phổ thông không thích học môn lịch sử, thậm chí nhiều học sinh rất sợ môn học này. Vì không thích học, sợ học, ngại học… nên năm nào lịch sử là môn chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thường điểm rất thấp, có khu vực điểm dưới 5 chiếm tỷ lệ cao. Không chỉ thi tốt nghiệp phổ thông, điểm môn sử thi đại học cũng không khá hơn, có thí sinh bị điểm 0.
Dù chưa đến thời hạn đăng ký chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT niên khóa 2014-2015, nhưng vì lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi "2 trong 1", điểm thi THPT sẽ là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nên rất nhiều trường trên cả nước đã cho học sinh đăng ký thử môn thi để có căn cứ lên kế hoạch ôn tập cho các em. Và kết quả theo các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày qua tuy không quá bất ngờ, nhưng gây thất vọng cho xã hội khi tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn này chỉ chiếm từ 0 đến 10%, thấp hơn rất nhiều so với nhiều môn thi khác. Mặc dù tỷ lệ này không phải là tỷ lệ chính thức, song nó cũng phản ánh nguyện vọng của các em trong lựa chọn môn thi và lịch sử không phải là môn thi được nhiều học sinh lựa chọn. Theo khảo sát, lý do các em đưa ra là môn sử khô khan, khó thuộc, khó nhớ, khó hình dung, các bài học lịch sử quá dài… Trong quá trình làm bài, dù có nêu đúng tinh thần như đề bài yêu cầu nhưng sai ngày, tháng, năm, địa danh diễn ra sự kiện, hay số liệu thì chắc chắn cũng sẽ bị trừ điểm. Bởi vậy chọn môn lịch sử là sự lựa chọn mạo hiểm.
Lịch sử nước ta có khác biệt với nhiều quốc gia trên thế giới là từ khi ra đời nhà nước Văn Lang, Âu Lạc cho đến nay luôn là các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế những chuyên gia giáo dục cho rằng biên soạn sách giáo khoa lịch sử là khó nhất vì sự kiện nào cũng quan trọng cần phải đưa vào và lịch sử không thể chung chung, phải có tên tuổi, có ngày, tháng, năm, phải có địa danh cụ thể. Không phải học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng đỗ đại học để rồi được học sâu thêm nên cần thiết phải cung cấp cho học sinh kiến thức lịch sử liền mạch. Và đã là lịch sử thì không thể không có bài học từ sự kiện ấy, bài học lịch sử là vô cùng cần thiết cho tương lai của một dân tộc, một đất nước. Với các giáo viên dạy môn lịch sử, họ cho rằng nhiều trường đã đổi mới cách dạy như dẫn học sinh đi tham quan bảo tàng, địa danh diễn ra các trận đánh để các em có thể hình dung lại quá khứ.
Người xưa có câu "Ôn cố tri tân, phi cổ bất thành kim", ôn cũ để biết mới, không có cũ không có mới. Với người Việt Nam, lịch sử chiếm vị trí vô cùng quan trọng vì dân tộc ta bao nhiêu năm chìm đắm trong nô lệ và phải trả bằng xương máu của biết bao nhiêu thế hệ mới có độc lập ngày hôm nay. Lý do môn lịch sử khô khan là ngụy biện. Học sử để tự hào về dân tộc mình và để tránh những sai lầm đã diễn ra trong quá khứ. Đổi mới dạy và học môn lịch sử là công việc cần tiếp tục nhưng có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục phải đưa môn này trở thành môn bắt buộc trong các kỳ thi vì nếu còn là môn tự chọn thì lịch sử mãi vẫn bị cho là môn học khô khan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.