Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lẽ nào bó tay?

Dục Tú| 20/01/2014 06:18

(HNM) - Từ cuối năm 2013 đến giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, liên tục có tin không vui liên quan đến trẻ em. Vừa lắng lại câu chuyện đau lòng bảo mẫu hành hạ trẻ lại đến tin đồn đồ chơi nhập khẩu có thể chứa độc tố.


Báo chí có lý khi đưa ra lời cảnh báo (không biết đã là lần thứ bao nhiêu) về mức độ lộn xộn, nguy hiểm từ thị trường hàng tiêu dùng dành cho trẻ em. Mới tuần trước là tin về thứ đồ chơi lạ phát nổ khiến hơn ba chục học sinh tiểu học ở tỉnh Đắk Nông phải nhập viện cấp cứu. Ít ngày trước nữa là tin "mổ dép", búp bê hình trái cây dành cho trẻ em xem có chất độc hay không, là tin Công an tỉnh Nghệ An phát hiện xe khách chở súng điện, súng bắn đạn nhựa, cung tên; là tin hàng loạt sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng dành cho trẻ em bị kết luận là có chứa hóa chất, có thể tác động xấu đến khả năng sinh sản của con người…

Có một điểm chung trong số tin về đồ chơi, đồ dùng độc hại dành cho trẻ em bị phát hiện là đều có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có rất nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc và hàng nhập lậu. Điều đó cho thấy công tác phòng chống buôn lậu, quản lý thị trường ở ta còn có vấn đề. "Vấn đề" ở chỗ có rất nhiều hàng hóa dành cho trẻ em không đủ tiêu chuẩn, hoặc thuộc dạng "mù mờ", không rõ nguồn gốc, chất lượng bị phát hiện, bị thu giữ khi đã vào sâu trong nội địa. "Vấn đề" ở chỗ nhiều sản phẩm thuộc dạng nói trên đã được tiêu thụ, đã đến tay người tiêu dùng và đã gây tác hại (có thể nhận biết được ngay, hoặc không bao giờ nhận ra mức độ nguy hiểm bởi chất độc hại có thể từ từ gặm nhấm sức khỏe của trẻ).

Về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa dành cho trẻ em, có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý "thường xuyên đi sau", rất khó để hướng đến mục tiêu giải quyết tận gốc vấn đề. Bất luận cơ sở, điều kiện phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, vùng biên giới còn có sự hạn chế nhất định, việc để cho hàng lậu vào sâu nội địa là trách nhiệm của các lực lượng liên quan đến phần việc nói trên. Bất luận thực tế là đội ngũ quản lý thị trường còn mỏng thì việc hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng độc hại được tiêu thụ trót lọt, nhiều thứ được bày bán khá thoải mái ở trong nước thể hiện sự yếu kém của lực lượng này.

Tình trạng hàng nhập lậu gây nhức nhối từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Hàng hóa dành cho trẻ em hay sản phẩm dành cho người lớn cũng vậy. Hiện thực ấy có thể gây hại cho sức khỏe giống nòi, tác động xấu đối với việc sản xuất - tiêu thụ hàng hóa trong nước. Sản xuất trong nước yếu có một phần nguyên nhân quan trọng là do chưa thể kiểm soát hiệu quả hàng hóa nhập lậu, sự phụ thuộc vào thị trường hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả ngày càng tăng lên. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay, phòng chống buôn lậu là một trong số phần việc cần được đầu tư gấp rút - cả về phương tiện, nhân lực và các yếu tố cần có khác như tăng cường tuyên truyền, hoàn thiện giải pháp…

Phòng chống buôn lậu, kiểm soát thị trường hàng hóa dành cho trẻ em là việc khó, do nhiều nguyên nhân, nhưng không có nghĩa vì khó mà bó tay chấp nhận "sống chung với hàng lậu". Trong tình hình hiện tại, có hai việc cần phải được lưu ý đặc biệt. Thứ nhất là tăng cường khả năng kiểm soát hàng hóa ngay từ "đầu vào". Thứ hai, cần phát động rộng rãi phong trào "nói không" với hàng hóa không rõ nguồn gốc trong nhân dân, có hình thức xử lý thích đáng đối với hành vi tiếp tay cho việc nhập, phân phối, tiêu thụ hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc và chất lượng. Cùng với hai phần việc nói trên, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy chương trình tuyên truyền "Người Việt dùng hàng Việt", cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở bảo đảm thị trường "sạch" - công bằng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lẽ nào bó tay?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.