(HNM) - 0h ngày mai - Rằm tháng Giêng, lễ khai ấn đền Trần sẽ được tổ chức trang trọng tại Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vương, TP Nam Định. Theo kế hoạch, BTC sẽ tiến hành phát ấn cho du khách trong 6 ngày, từ ngày 5-3 đến hết ngày 10-3 (tức từ ngày 15 đến 20 tháng Giêng) tại nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được thực hiện như thế nào nhằm bảo đảm an ninh trật tự và nếp sống văn minh, duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống? Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nam Định, Trưởng BTC lễ hội đền Trần.
Cảnh chen nhau tranh ấn tại lễ hội đền Trần năm 2014. |
- Bà có thể cho biết những điểm mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ khai ấn đền Trần - Xuân Ất Mùi 2015?
- UBND TP Nam Định đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội đền Trần từ rất sớm, thành lập 4 tiểu ban: Tiểu ban Nghi lễ; Tiểu ban An ninh - an toàn giao thông; Tiểu ban Tuyên truyền và Tiểu ban Hậu cần - khánh tiết. Nét mới đầu tiên phải kể đến ở mùa lễ hội năm nay là nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ được phục dựng với nghi thức trang trọng, diễn ra ngày 1-3 (tức 11 tháng Giêng) - được coi là hoạt động đầu tiên trong lễ hội khai ấn đền Trần. Một nét mới nữa là giờ khai ấn được tổ chức sớm hơn, vào 6h sáng 15 tháng Giêng, thay vì 7h như hai năm trước để giảm tình trạng lộn xộn không đáng có.
- Nói riêng về nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, BTC đặt ra những mục tiêu gì khi phục dựng nghi lễ này? Bà có thể chia sẻ đôi chút về quá trình và kết quả của việc phục dựng nghi lễ?
- Việc phục dựng nghi lễ ngoài ý nghĩa tâm linh là rước đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về bái tổ tiên triều và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ còn mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu. Nghi lễ này là một trong các hoạt động truyền thống của lễ hội từ hàng trăm năm, làm tăng thêm sự trang trọng của phần lễ.
- BTC đã xây dựng kế hoạch, phân công và huy động lực lượng như thế nào để bảo đảm công tác an ninh trật tự?
- Để bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, chúng tôi huy động đông đảo lực lượng gồm công an, tự vệ, dân phòng. Do lễ hội diễn ra trong nhiều ngày nên BTC cũng phải bố trí rải đều lực lượng.
- Tình trạng chen lấn, nhất là ở thời điểm kết thúc nghi lễ khai ấn là rất khó tránh khỏi. BTC bố trí lực lượng an ninh như thế nào để hạn chế xuống mức thấp nhất tình trạng lộn xộn, thưa bà?
- Chúng tôi bố trí lực lượng thành 5 vòng: Xung quanh nội cung, khu hành lễ sân Thiên Trường, khuôn viên đền Trần, khu vực đường Trần Thừa và các chốt khác trên địa bàn thành phố.
- Bà có lo ngại là dù lực lượng an ninh đông nhưng nhiều hoạt động tiêu cực vẫn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát?
- Rõ ràng, trong những thời khắc nhất định của lễ hội, việc kiểm soát của BTC cũng khó trọn vẹn, có thể xảy ra một số việc không hay do sự thiếu ý thức của một số du khách. Mong muốn của BTC là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, du khách sẽ nâng cao ý thức, thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt là ở khu vực diễn ra lễ hội. Tính đến thời điểm này, có thể thấy tình trạng ăn xin không còn tồn tại trên địa bàn. Trong những ngày tới, có thể có phát sinh, nhưng BTC đã có kế hoạch, sẵn sàng bố trí các
tổ kiểm tra liên ngành, đưa những người ăn xin về Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Còn chuyện cờ bạc trá hình, có thể khẳng định là tuyệt nhiên không có trong mùa lễ hội năm nay, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại.
- Vậy còn công tác y tế, bảo đảm an toàn cho người dự hội, thưa bà?
- BTC lễ hội, UBND Thành phố Nam Định đã giao Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện thành phố và trung tâm Y tế thành phố bố trí lực lượng ứng trực tại khu vực trung tâm của lễ hội. Tất cả đã sẵn sàng cho một mùa lễ hội an toàn, văn minh.
- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.