Công nghiệp văn hóa

Lễ hội - tài nguyên dồi dào cho công nghiệp văn hóa

Nguyễn Thanh 04/11/2023 08:30

Ngày 3-11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội”, tại Di tích đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ).

Tọa đàm tập trung nhận diện nét đặc trưng, thực trạng phục dựng nghi lễ, nghi thức và các trò chơi dân gian, những biến đổi và văn hóa ứng xử trong lễ hội, từ đó định hướng công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội khu vực nội đô trở thành tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội.

le-hoi.jpg
Ban Tổ chức tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội” dâng hương tại Di tích đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ).

Sắc thái đa dạng, giá trị độc đáo

Lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội có lịch sử lâu đời, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ. Với đặc trưng đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, các lễ hội trên khu vực đã và đang tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt cho mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng thông tin, sau đợt tổng kiểm kê di sản năm 2016, toàn khu vực nội đô ghi nhận 221 lễ hội, với 9 địa chỉ được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh, kết nối, giao lưu, trao đổi và sáng tạo văn hóa. Sự đa dạng, độc đáo của lễ hội khu vực nội đô hiển hiện trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, lễ phục và trò diễn dân gian, tiêu biểu như truyền thống kết nghĩa, giao hảo lưu truyền hàng trăm năm tại Lễ hội Kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai; ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhân cách con người trong Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ hay không gian thực hành bao trùm một vùng rộng lớn như Hội Láng…

“Tuy nhiên, trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng, dẫn đến những biến đổi đáng kể. Sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế, xã hội và văn hóa của các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống nhằm bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

Nhận diện những thách thức trong việc bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội khu vực nội thành Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý chỉ ra áp lực thường trực của các lễ hội khu vực nội đô chính là sự mai một nhanh chóng của các không gian thực hành cũng như nghi thức lễ hội; tính chất cộng đồng thay đổi thường xuyên do tình trạng người đến, người đi; những áp lực từ cuộc sống mưu sinh hay cả việc chính sách quản lý và tổ chức lễ hội không theo kịp với thực trạng hiện có…

Cần xây dựng một đề án riêng

Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội” thu hút hơn 20 tham luận cùng ý kiến đóng góp từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cộng đồng bảo tồn, thực hành và trao truyền lễ hội, tập trung nhận diện những nét đặc trưng, những biến đổi và thực trạng phục dựng nghi lễ, nghi thức và các trò chơi dân gian; việc phát huy giá trị lễ hội truyền thống với định hướng đưa lễ hội truyền thống khu vực nội thành trở thành tài nguyên phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Phó trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử đền Núi Sưa Trần Sơn Trà cho rằng, những làng trong phố với nhiều lớp trầm tích văn hóa đặt trong nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại đang đặt cho lễ hội và phong tục tập quán nhiều đời ở Hà Nội những áp lực rõ rệt trong việc bảo tồn, phát huy giá trị. Với những yêu cầu này, cần thiết có một Đề án về bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội dành riêng cho khu vực này, đề ra các giải pháp tổng thể theo lộ trình trước mắt cũng như lâu dài. Cùng với đó, cần có thêm nhiều cuộc tọa đàm, các cuộc tham quan thực tế tại các lễ hội của những làng khác ngoài khu vực nội thành để tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, cần có chính sách riêng trong bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội khu vực nội thành nhằm giảm tải những áp lực hiện có, đi kèm với hành động bảo vệ thiết thực, hiệu quả, như chọn ra những lễ hội cần ưu tiên bảo vệ, nhận diện cộng đồng thực hành để tập trung xây dựng, củng cố cộng đồng đó gắn với truyền thống và giáo dục di sản.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Việt Hà (Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất, giải pháp gia tăng giá trị các lễ hội nội thành Hà Nội trong việc phát triển công nghiệp văn hóa với việc kiến tạo và phổ biến diễn ngôn về giá trị, ý nghĩa của các lễ hội trong việc tô đậm bản sắc văn hóa Thủ đô.

“Các lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội trong thời gian qua đã chứng tỏ sức hút với du khách, đóng vai trò quyết định làm cho các sản phẩm du lịch của Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng. Những hình ảnh, trang phục, tiết mục của lễ hội nếu được khai thác và vận dụng sáng tạo sẽ trở thành những chất liệu quan trọng và dồi dào cho các ngành công nghiệp văn hóa”, Tiến sĩ Đinh Việt Hà khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội - tài nguyên dồi dào cho công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.