Công nghiệp văn hóa

Vạn Phúc nối mạch nguồn di sản

Nguyễn Mai 19/10/2023 - 18:11

Từ làng nghề hơn 1.000 năm tuổi, Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) trở thành “làng du lịch” hấp dẫn du khách. Những ngày này, Vạn Phúc rực rỡ sắc màu với nhiều “món ăn tinh thần" trong Tuần Văn hoá du lịch - Thương mại làng nghề sắp diễn ra.

8dbfaefc88e85fb606f9.jpg
Du khách quan quan, trải nghiệm nghề dệt ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông).

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Người Vạn Phúc tự hào với nghề dệt lụa tơ tằm có từ hơn 1.000 năm trước. Thời phong kiến, lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục cho các đời vua nhà Nguyễn.

Năm 1931, lần đầu tiên, lụa Vạn Phúc được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille, được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu. Hiện nay, lụa Vạn Phúc vẫn được đông đảo người tiêu dùng yêu thích.

06a2139ace0811564819.jpg
Nghệ nhân dệt lụa Trần Thị Ngọc Lan ở làng Vạn Phúc bên khung dệt.

Theo nghệ nhân dệt lụa Trần Thị Ngọc Lan, quy trình dệt lụa của làng Vạn Phúc hôm nay không khác nhiều so với truyền thống. Tơ nguyên liệu được đưa vào guồng kéo ra các lõi nhỏ để mắc cửi, nối cửi rồi dệt. Tấm lụa sau khi dệt xong, còn trải qua các công đoạn chuội, nhuộm, công đoạn nào cũng cầu kỳ mới hoàn thành.

“Cũng bởi chuyên dệt hàng cao cấp 100% tơ tằm nên mỗi ngày, 1 máy chỉ dệt được 5-7m lụa; mỗi người chỉ đứng được 1 máy. Có lẽ, chính từ sự tinh xảo đó, lụa Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần, trở thành sản phẩm văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông và Thủ đô Hà Nội”, chị Trần Thị Ngọc Lan tự hào chia sẻ.

87bde2d9c4cd13934adc.jpg
Những ngày này, Vạn Phúc thu hút rất nhiều du khách tham quan, chụp ảnh.

Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự, hiện nay, người Vạn Phúc dệt khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh... với nhiều hoa văn khác nhau. Trung bình mỗi năm, làng cung cấp cho thị trường 1 triệu mét lụa các loại, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 7 triệu đồng/người/tháng.

Với bề dày truyền thống, làng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn duy trì hoạt động đến ngày nay”.

Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UBND thành phố Hà Nội công nhận là “Điểm đến Du lịch Thủ đô”.

Nhiều điểm check in độc đáo

b5ff5d365422837cda33.jpg
Thành viên nhóm vẽ Mộc đang hoàn thiện bích họa tái hiện quy trình sản xuất lụa của làng.

Vạn Phúc những ngày này như khoác lên mình tấm áo mới khi chính quyền và nhân dân phường tích cực chuẩn bị các phần việc cho Tuần Văn hóa du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 (diễn ra từ ngày 26-10 đến ngày 2-11). Con đường dẫn vào phố lụa Vạn Phúc được trang hoàng lộng lẫy, ấn tượng với những sắc màu truyền thống của vùng đất “quê lụa”. Đó là tuyến đường ô, đường cánh diều rực rỡ kéo dài hàng trăm mét dọc tuyến phố; những guồng tơ được sắp đặt đẹp mắt; bức họa tái hiện quy trình sản xuất lụa của làng... Đặc biệt, cây cầu kính đang gấp rút được lắp đặt để thêm trải nghiệm cho du khách.

Anh Bùi Mạnh Hiệp - Trưởng nhóm vẽ Mộc, Tổ dân phố số 8, phường Vạn Phúc cùng các bạn trẻ đang hoàn thiện bức họa lớn khu vực vườn hoa trước cửa đình làng cho biết: Bức họa có diện tích khoảng 100m2, tái hiện quy trình ươm tơ, se tơ, dệt lụa, phơi lụa của người làng Vạn Phúc. Chúng tôi triển khai bức vẽ này trong 4 ngày với sự đóng góp hàng chục ngày công của thành viên trong nhóm cùng sự hỗ trợ của các cô giáo Trường mầm non Vạn Phúc và Trường mầm non Quang Trung”. Toàn bộ nhân lực tham gia vẽ tranh đều xã hội hóa.

bf60c800ee14394a6005.jpg
Tuyến phố lụa và chợ lụa được trang trí đẹp mắt, là điểm check in hấp dẫn du khách.

Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự cho biết, phường đã triển khai cắt tỉa, thay mới cây xanh; bổ sung nước vào ao Rum; thay mới toàn bộ hệ thống bảng, biển, pano chỉ dẫn du lịch và quảng bá làng nghề. Bên cạnh đó, phường vận động các hộ kinh doanh, nhân dân tại các tổ dân phố chủ động trang trí, treo đèn, kết hoa trên các tuyến phố lụa, chợ lụa, Trung tâm Bảo tồn lụa, phố Cầu Am... tạo các điểm check in độc đáo cho du khách.

1e8e74d052c4859adcd5.jpg
Vạn Phúc rực rỡ sắc màu truyền thống.

Tuần Văn hóa du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 sẽ có 3 phần: Lễ, hội, thương mại.

Với phần lễ, các nghệ nhân và nhân dân trong làng nghề sẽ tổ chức rước tôn vinh Tổ nghề lụa; đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể quốc gia đối với làng nghề; Bằng công nhận sắc phong di tích đặc biệt; Bằng công nhận điểm đến Du lịch Thủ đô năm 2023; Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hà Nội trao tặng.

Phần hội sẽ có: Chương trình duyên dáng lụa Hà Đông, trình diễn áo dài nhí, trò chơi dân gian, văn nghệ quần chúng (hát văn, hầu đồng, ca trù, quan họ, chèo); múa rối nước, hội thi vẽ tranh; hội chợ quê.

Phần thương mại nhằm quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc và các loại hình kinh doanh, dịch vụ phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Các hoạt động thương mại diễn ra xuyên suốt trong Tuần văn hóa và nhiều nơi trên địa bàn phường, như: Phố lụa; phố ẩm thực Cầu Am; phố hoa, sinh vật cảnh - đồ cổ, đồ xưa; giao lưu thương mại các làng nghề truyền thống Hà Nội với gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm như: Làng gốm Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm); làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín); làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) và các làng nghề của Hà Đông như: Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo...

a779ab43a45773092a46.jpg
Ông Nguyễn Văn Chánh, Việt kiều sinh sống tại Cộng hòa Pháp tới Vạn Phúc tham quan, mua sắm sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ Cửa hàng kinh doanh lụa Minh Ngọc, làng Vạn Phúc, cho biết: "Tuyến phố lụa đang thu hút rất đông du khách. Có lẽ phường Vạn Phúc được trang trí đẹp hơn nên du khách đến chụp ảnh, tham quan, mua sắm đông hơn ngày thường. Gia đình tôi cũng phải tăng cường sản xuất để đa dạng sản phẩm, phục vụ du khách".

Ông Nguyễn Văn Chánh, người gốc Sài Gòn đang sinh sống tại Cộng hòa Pháp nhân dịp về nước tới tham quan, mua sắm tại làng lụa Vạn Phúc, cho biết: "Đây là lần thứ 2 tôi tới Vạn Phúc. Hôm nay tôi chọn mua được nhiều quần áo lụa cho vợ và các con, cháu. Tôi biết đây là làng nghề rất nổi tiếng. Ở Pháp rất ít bán sản phẩm truyền thống này nên tôi tranh thủ mua sắm làm quà cho người thân”.

Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự: Từ năm 2022 đến nay, làng Lụa Vạn Phúc đã kết nối được 2 tour du lịch mới. Năm 2023, khách du lịch đến với Vạn Phúc tăng mạnh so với năm 2022. Ngoài tham quan làng nghề, du khách còn tham quan đình, chùa của làng và Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Cùng với các hoạt động của Tuần Văn hóa du lịch, chính quyền và nhân dân Vạn Phúc đang không ngừng nỗ lực nối mạch nguồn di sản, quảng bá sản phẩm làng nghề, sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân quê lụa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vạn Phúc nối mạch nguồn di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.