Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lập lại trật tự bến bãi vật liệu xây dựng ven sông

Đỗ Minh| 09/07/2018 07:36

(HNM) - Hiện là thời điểm đầu mùa mưa bão, nhằm ứng phó với biến động của thời tiết, Hà Nội chủ động thực hiện rất nhiều biện pháp.


Ba Vì là một trong những huyện có nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường, toàn huyện có khoảng 22 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Đa số chưa đủ điều kiện hoạt động. Có thời điểm các bến bãi tập kết quá nhiều vật liệu, ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê. Xác định được nguy cơ tiềm ẩn, UBND huyện Ba Vì thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát hoạt động các bến bãi, đặc biệt là tình trạng chất, chứa vật liệu xây dựng vượt quá quy định.

Không chỉ riêng Ba Vì, tình trạng bến bãi chứa vật liệu xây dựng quá tải diễn ra tại nhiều quận, huyện khác. Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội (Sở NN&PTNT), dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố có hơn 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên đê. Trong đó, có 188 bãi hoạt động. Trong số bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động, 37 bãi có giấy phép. Ngoài các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động ở khu vực bãi sông, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa… tồn tại các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều, gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Bến bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng tồn tại nhiều năm nay song việc quản lý, xử lý còn nhiều khó khăn. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Trường Giang cho biết: Hầu hết bến bãi đã tồn tại hàng chục năm, thậm chí còn nhiều hơn, một phần diện tích bến bãi là diện tích của các hộ gia đình. Một số bến bãi nằm trong quy hoạch lại gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép hoạt động do liên quan đến nhiều sở, ngành, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đê điều, dòng chảy thoát lũ (thuộc thẩm quyền Sở NN&PTNT). Với những bến bãi nằm ngoài quy hoạch, nhiều địa phương đã tiến hành giải tỏa song do nhiều công trình đã được xây dựng từ lâu, đầu tư kinh phí lớn, cuộc sống và thu nhập của các chủ bến bãi chủ yếu dựa vào kinh doanh vật liệu nên nếu phải giải tỏa bến bãi sẽ mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, chưa có quy hoạch vị trí bến bãi mới cho các hộ trong diện di dời, giải tỏa.

Hằng năm, Sở NN&PTNT đều phối hợp với các ngành: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, chính quyền địa phương… tiến hành kiểm tra hoạt động các bến bãi. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều sở, ngành, việc xử lý còn chồng chéo. Để siết chặt quản lý hoạt động của các bến bãi, tháng 5-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn Hà Nội. Đoàn kiểm tra có sự tham gia liên ngành gồm: Sở NN&PTNT, Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố, đại diện các quận, huyện, thị xã…

Đoàn đã kiểm tra 31 đơn vị khai thác khoáng sản và các địa phương có bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng; kiểm tra công tác quản lý nhà nước của UBND cấp xã, UBND cấp huyện đối với hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn; kiểm tra hồ sơ pháp lý, tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân… Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lê Anh Thư cho biết: Thông qua những đợt kiểm tra, Phòng tổng hợp kết quả báo cáo trình Giám đốc Sở để làm căn cứ hoàn thiện văn bản tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập lại trật tự bến bãi vật liệu xây dựng ven sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.