Lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đạt năng suất kỹ thuật không thua kém lao động nước khác, trong khi chi phí chỉ bằng 1/10 hoặc 1/20 ở các nước công nghiệp”, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo Thông cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ giữa tháng 5/2014, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, năng suất lao động của Malaysia gấp 5 lần năng suất lao động của Việt Nam, Thái Lan gấp 2,5 lần năng suất lao động của Việt Nam.
Theo Chủ tịch MTTQVN: Lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ, kỹ thuật hiện đại (Ảnh: Đại Đoàn Kết) |
Phát biểu trước Quốc hội ngày 30/10, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, do không được thông tin đầy đủ về cách tính năng suất lao động của ILO, nên từ các số liệu trên, một số ý kiến phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhận định rằng nguyên nhân chính là do trình độ nghề nghiệp của người lao động Việt Nam thấp.
“Nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của khái niệm năng suất lao động và thực tiễn Việt Nam vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của một đất nước và do một hệ thống nhiều yếu tố chi phối chứ không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp của người lao động”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cách tính năng suất lao động của ILO lấy tổng sản phẩm nội địa chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế. Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số giữa các nước là xấp xỉ như nhau thì so sánh năng suất lao động giữa các nước cũng tương đương như so sánh Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người của các nước.
Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người dưới 1.000 USD/năm thì quốc gia đó được xếp là nước nghèo. Việt Nam mới thoát nghèo vào năm 2008. Khi đó, GDP/người của Singapore là 39.700 USD, gấp hơn 34 lần Việt Nam; của Nhật Bản là 37.800 USD, gấp 33 lần Việt Nam; của Hàn Quốc là 20.500 USD, gấp 18 lần Việt Nam; của Malaysia là 8.400 USD, gấp 7 lần Việt Nam và của Thái Lan là 4.100 USD, gấp 3,6 lần Việt Nam. “Tức là câu hỏi Vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp? hoàn toàn tương tự như câu hỏi Vì sao Việt Nam nghèo?”, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc nói.
Theo ông Nhân, Việt Nam còn nghèo so với các nước khác là do 5 nguyên nhân như xuất phát điểm của Việt Nam và các nước khác nhau, khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp, trình độ công nghệ thấp, nền kinh tế nước ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung vẫn còn thấp, khoa học chậm phát triển.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đạt năng suất kỹ thuật không thua kém lao động ở các nước khác, trong khi chi phí lao động chỉ bằng 1/10 hoặc 1/20 ở các nước công nghiệp, điển hình trong đó tại các nhà máy do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như Intel, Samsung, Toyota....
Năm 2013, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đã xuất khẩu khoảng 130 triệu chiếc điện thoại di động và các thiết bị khác với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,9 tỷ USD, đóng góp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, sử dụng 45 nghìn lao động - trong đó chỉ có khoảng 70 người Hàn Quốc.
Công ty Samsung đã quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu phát triển của mình tại Singapore và thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển ở Việt Nam với khoảng 3.000 người nghiên cứu vì các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của Samsung và chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Singapore.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân nước ta cần cù, sáng tạo, làm chủ quy trình sản xuất mới và áp dụng nhiều giống tốt, nhờ đó nền nông nghiệp nước ta tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc vào loại cao nhất thế giới là: gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 1990 mới là 1,1 tỷ USD, đến năm 2013 là 19,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp và không ổn định, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra từ hàng chục năm, song người nông dân cá thể không thể chi phối được thị trường đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Hai thị trường này thiếu tính cạnh tranh, có dấu hiệu thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá đầu vào và hạ giá đầu ra.
Đầu vào giá cao và chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán đang là hai gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của người nông dân cho dù năng suất sinh học của các cây con đã liên tục tăng trong hơn 20 năm qua với 12 sản phẩm có năng suất sinh học vào loại cao nhất thế giới.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, muốn tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế nông nghiệp; công nghiệp -xây dựng và dịch vụ.
“Theo tính toán của chúng tôi, năm 2014 năng suất lao động khu vực công nghiệp của nước ta gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp. Còn năng suất lao động khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và năng suất lao động của người nông dân”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Trong nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh đến giải pháp phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp từ: “Hộ sản xuất cá thể mua bán trực tiếp trên thị trường đầu vào, đầu ra không có tính cạnh tranh cao, chèn ép hộ nông dân - Xuất khẩu đem lại lợi ích chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu” sang mô hình mới là “Hộ nông dân liên kết trong các tổ chức hợp tác sản xuất - Tổ chức hợp tác mua bán trên thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh cao - Xuất khẩu đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của người nông dân”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.