(HNM) - Đến thời điểm này, dù mùa tuyển sinh đã đi qua nhưng hàng loạt trường nghề tại TP Hồ Chí Minh… vẫn
Sinh viên Trường Trung cấp Ánh sáng trong giờ học thực hành. |
Năm nào cũng vậy, chỉ mới tháng ba, tháng tư, cán bộ, nhân viên Trường Trung cấp nghề Khôi Việt (TP Hồ Chí Minh) lại huy động hết các mối quan hệ để các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh quảng bá giới thiệu trường cho học sinh. Năm nay, đến thời điểm này, khi mùa tuyển sinh đã kết thúc, ông Hà Kim Vọng - Hiệu trưởng nhà trường than thở: "Trường mới tuyển được 32 học viên. Với số lượng này, chúng tôi khó có thể tồn tại được".
Tương tự, ông Dương Minh Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhà trường được phân bổ hơn 500 chỉ tiêu nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được một nửa. Trong số học viên nhập học, hầu hết mới tốt nghiệp THCS, số ít còn lại là học sinh THPT thi rớt tốt nghiệp. Còn ông Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo ngao ngán: "Trường cũng chỉ mới tuyển được 240/610 chỉ tiêu. Điều đáng nói là trường chỉ xét tuyển học sinh có trình độ THCS và kéo dài nhiều đợt nhưng vẫn thiếu người học".
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo lãnh đạo nhiều trường là do Bộ GD-ĐT cho phép nhiều trường ĐH, CĐ mở hệ đào tạo trung cấp nên người học ít khi chọn học ở trường nghề. Điều đáng nói nữa là do điểm chuẩn ĐH, CĐ năm nay thấp, trong khi chỉ tiêu tuyển của các trường lại tăng nên đã "vét" gần hết lượng học sinh. Nguyên nhân khác, theo ông Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Giao, nhiều nhà quản lý giáo dục đã sai lầm trong công tác định hướng học nghề khi quan niệm chỉ những học sinh học lực trung bình ở bậc học THCS hoặc trong quá trình học ở bậc THPT có học lực yếu kém nên chuyển sang bậc học trung cấp nghề. Thực tế cho thấy, với số lượng kiến thức học và áp lực việc học và thực hành ở trường nghề là rất lớn nên định hướng phân luồng trên là sai lầm.
Theo ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, các trường nghề cũng xem lại mình. Nếu so sánh với trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thì sự sai lầm của không ít trường nghề là xây dựng chương trình đào tạo quá chuyên sâu vào một nghề mà không hướng sang các nghề tương tự làm hạn chế sự linh hoạt của học viên tốt nghiệp. Trong khi đó, nước ta có 97% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đòi hỏi mức độ chuyên môn hóa ở mức thấp nên cần lao động linh hoạt, có thể đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Do đó, các trường TCCN khi xây dựng chương trình đào tạo đã vận dụng tốt tính linh hoạt của các nghề, tạo điều kiện cho học viên khi tốt nghiệp một ngành đào tạo có thể làm vài ba nghề khác nhau. Ví dụ, học sinh tốt nghiệp ngành tin học ứng dụng có thể làm nhiều nghề khác nhau như: Bảo trì mạng, phần cứng máy tính, đồ họa, thiết kế web…
Để giải quyết những bất cập theo ông Trần Phương, nên luật hóa việc đào tạo nghề cho các trường nghề để không còn cảnh trường ĐH đổ xô đi dạy nghề. Ngoài ra, cần phải có những chủ trương, chính sách đủ hấp dẫn để người học hăng hái và yên tâm học nghề như: Tôn vinh các giáo viên dạy nghề; tổ chức hội đồng xét chức danh nghệ nhân cho các giáo viên xuất thân từ trường nghề, kể cả tính đến việc phong tặng các danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.