Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãnh đạo nhiều nơi thiếu sâu sát

Quốc Bình| 28/04/2014 06:31

(HNM) - Kết quả kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở TP Hà Nội chỉ ra những lỗ hổng trong chỉ đạo của cấp ủy cơ sở.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo sự đồng thuận cao, góp phần đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa.


Dân chủ thực chất

Bí thư Chi bộ số 2 (thôn Quýt, xã Yên Bài, huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Nhâm kể: "Nhiều người dân trong thôn nói, bây giờ ra đồng làm việc vui đến không muốn về". Từ bao đời nay, ruộng canh tác trong thôn manh mún, "chia năm xẻ bảy", có mảnh chỉ 12-13m2, ruộng cao, ruộng thấp… Nhờ dồn điền đổi thửa, có hộ trước đây có tới 14 mảnh ruộng manh mún nay chỉ còn một thửa. Hơn thế, đường ra đồng của thôn cũng mở rộng lên 6m, rất thuận tiện cho sản xuất, thu hoạch. Bí quyết thành công của thôn Quýt chính là thống nhất chỉ đạo của chi bộ, triệt để thực hiện QCDC trong dồn điền đổi thửa. Từ khi ban hành Nghị quyết chuyên đề về dồn điền đổi thửa, chi bộ chỉ đạo sát sao từng việc liên quan, việc gì cũng tổ chức họp dân, xin ý kiến, bàn bạc với dân… Nhờ thế, toàn dân đồng thuận, việc dồn điền đổi thửa được triển khai tập trung từ tháng 7-2013, chỉ sau vài tháng, 56ha của thôn đã dồn đổi xong.

Tại phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), Đảng ủy phường chỉ đạo cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện QCDC. Nổi bật nhất là việc công khai các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm, thủ tục hành chính... Hằng tháng, lãnh đạo phường giao ban với các chi bộ, tổ dân phố cùng thảo luận về các vấn đề bức xúc trong dân cư để kịp thời giải quyết. "Việc gì chúng tôi cũng phải công khai cho dân biết, khó thì đối thoại với dân để tháo gỡ" - Bí thư Đảng ủy phường Phạm Quốc Hải nói. Với cách làm dân chủ, liên tục nhiều năm qua, phường Hàng Đào luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; thu ngân sách cao nhất quận Hoàn Kiếm; liên tục đạt Đảng bộ trong sạch - vững mạnh từ năm 2010 đến nay.

Cùng với Yên Bài (Ba Vì), Hàng Đào (Hoàn Kiếm), hầu hết các xã, phường mà hai đoàn kiểm tra của BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở của thành phố làm việc thời gian qua đều thể hiện tốt tinh thần dân chủ. Nổi bật nhất là thực hiện công khai minh bạch; xây dựng các quy chế, quy định; khẳng định vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; tổ chức các hội nghị thông tin, trao đổi, đối thoại với dân... Những thành tựu nổi bật của thành phố thời gian qua như dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm
an sinh xã hội... đều xuất phát từ việc thực hiện nghiêm túc QCDC. Người dân được biết, được bàn và được kiểm tra; thấy được vai trò làm chủ của mình trong đời sống xã hội.

Lỗ hổng cần lấp

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với việc thực hiện QCDC còn không ít lỗ hổng. Trước hết là những hạn chế về tổ chức và hoạt động của BCĐ thực hiện QCDC của các phường, xã, thị trấn. Hầu hết bí thư đảng ủy phường, xã, thị trấn kiêm luôn trưởng BCĐ, nhưng tổ chức và hoạt động của các BCĐ ở các phường, xã, thị trấn còn mang nặng tính hình thức. Có BCĐ thay đổi nhân sự do cán bộ bị điều chuyển đi nơi khác, nhưng chậm được kiện toàn. Nhiều BCĐ thiếu quy chế làm việc, không có chương trình hoạt động. Thậm chí, có trường hợp, BCĐ xã "sáng tác" chương trình hoạt động để đối phó với đoàn kiểm tra. Nhưng hạn chế phổ biến nhất của BCĐ các phường, xã, thị trấn là ít kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC đối với các cơ quan, đơn vị cấp dưới. Có nơi như phường Hàng Đào kiểm tra một năm 2 lần, nhưng cũng có nơi không kiểm tra lần nào. Điều đó cho thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng thiếu sâu sát.

Vì BCĐ hoạt động còn nặng tính hình thức, nên việc triển khai thực hiện QCDC thường được lồng ghép trong các hoạt động khác. Ngay cả báo cáo về thực hiện QCDC có nơi cũng không thể tách riêng, phải lồng ghép vào các nội dung khác. Khi các thành viên đoàn kiểm tra hỏi, cơ sở tổ chức hội nghị phổ biến, trao đổi về thực hiện QCDC ra sao? Câu trả lời là được đưa vào trong các hội nghị nhân dân hằng năm, họp giao ban chi bộ hằng tháng, không có hội nghị riêng... Công tác chỉ đạo thực hiện QCDC thiếu cụ thể khiến cấp ủy địa phương khó xác định hạn chế tồn tại để khắc phục, thiếu giải pháp để chỉ đạo thực hiện QCDC trong từng giai đoạn. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao các phường, xã, thị trấn lúng túng trong việc thực hiện QCDC gắn với "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014".

UVTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 cho rằng: "Chỉ cần các địa phương xây dựng những quy chế cụ thể, dễ thuộc, dễ nhớ như không đổ rác ra đường để triển khai thực hiện trong khu dân cư, tổ dân phố là đã thành công". Tuy nhiên, hiếm có nơi nào làm được điều này. Hiện nay, chỉ có một số làng, xã vận dụng mô hình "hương ước", xây dựng được quy ước làng văn hóa. Nhưng số này cũng không nhiều. Tại các phường, xã, vẫn rất thiếu những quy ước, quy chế mang tính cộng đồng cao hướng người dân tuân theo nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương và văn minh.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Quang Cảnh khẳng định: "Nơi nào cấp ủy chủ động, thực hiện tốt QCDC, nơi đó có được sự đoàn kết, giành được thành công trong công tác". Đây là lý do thôi thúc các cấp ủy Đảng hành động trách nhiệm, bài bản và chuyên nghiệp hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo nhiều nơi thiếu sâu sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.