Trong thời gian qua, thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác bảo vệ môi trường, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được quận Tây Hồ triển khai hiệu quả.
Từ kết quả đạt được, quận Tây Hồ đang khẩn trương hoàn thiện và sẽ ban hành Quy chế dân chủ trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận, qua đó phát huy sức mạnh của nhân dân trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền quận Tây Hồ đã chủ động triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Bùi Thế Cường cho biết, quận đã chủ động tích cực tổ chức nhiều hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường như: Giữ gìn cảnh quan, môi trường đô thị; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, khu phố văn hóa… Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được các phường trên địa bàn thực hiện một cách hiệu quả.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy phường Bưởi Phan Thị Thúy Nga, phường Bưởi đã thí điểm cung cấp 3 loại túi ni lông có màu khác nhau cho 70 hộ gia đình để đựng chất thải sau khi phân loại. Kết quả có 67/70 hộ thực hiện phân loại chất thải rắn theo quy định, đạt tỷ lệ 95%. Mục tiêu là đến ngày 1-1-2025, hầu hết các hộ gia đình, người dân trên địa bàn phường nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không để hộ gia đình, cá nhân nào bị xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần xây dựng phường Bưởi đạt chuẩn đô thị văn minh.
Còn Chủ tịch UBND phường Xuân La Nguyễn Đình Hà chia sẻ, phường Xuân La đã phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của mỗi người dân trong thực hiện các tiêu chuẩn danh hiệu gia đình, khu dân cư văn hóa đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, phường đặc biệt nhấn mạnh về vị trí, vai trò chủ thể của nhân dân trong thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường.
Đến nay, ở hầu hết các khu dân cư của phường Xuân La đã thành lập các tổ thu gom rác trước khi đưa đi xử lý. Phong trào vệ sinh đường, ngõ phố đã đi vào nền nếp. Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đã và đang được các chủ doanh nghiệp quan tâm hơn. Các hộ gia đình cũng từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất, kinh doanh như thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường... Đáng chú ý, các địa bàn dân cư, tổ dân phố của phường Xuân La cũng lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa"; duy trì thường xuyên việc vệ sinh đường, ngõ phố.
Trong khi đó, tại phường Quảng An, các chi bộ tổ dân phố đã xác định những vấn đề còn tồn tại về bảo vệ môi trường như: Tình trạng đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán kinh doanh… Từ đó, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, đảm nhận một cung đường, một đoạn ngõ, làm vệ sinh trong nhà, trước ngõ và xung quanh khu vực nhà mình, vận động gia đình, hàng xóm cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.
Phường Quảng An cũng tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc theo dõi, phát hiện những trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường thông qua hệ thống camera giám sát. Khi phát hiện và công khai trên nhóm Zalo của tổ dân phố, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân vận, Tổ trưởng tổ dân phố - Tổ phó Tổ dân vận sẽ đến tận nhà để nhắc nhở trên tinh thần nhà nhà, người người chung tay, góp sức giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường
Mặc dù việc triển khai Quy chế dân chủ tại quận Tây Hồ trên thực tế đã đạt được những kết quả tích cực, song trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Bùi Thế Cường, cùng với sự gia tăng dân số, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận Tây Hồ ngày càng phát triển. Trên địa bàn quận cũng có nhiều công trình xây dựng quy mô lớn, giao thông trên các tuyến phố thường xuyên ở mật độ cao. Bên cạnh đó, tại các địa phương, khu dân cư vẫn còn tình trạng người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, còn để xảy ra tình trạng xâm phạm đến cảnh quan, môi trường…
Đứng trước những thách thức lớn về công tác bảo vệ môi trường, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận Tây Hồ đã có Văn bản số 39-CV/BCĐ ngày 25-10-2023, giao UBND quận phối hợp với Ban Dân vận Quận ủy và các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế dân chủ trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, ý nghĩa trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ để nhân dân tích cực tham gia, đóng góp ý kiến trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, cụ thể hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”; cải thiện và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND quận Tây Hồ tích cực đẩy mạnh công tác phối hợp với Ban Dân vận Quận ủy trong việc nghiên cứu, xây dựng Quy chế dân chủ trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận theo đúng quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự kiến ban hành và triển khai thực hiện trước ngày 31-8-2024. Khi quy chế được ban hành, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức quán triệt sâu rộng Quy chế dân chủ trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận đến từng cán bộ, công chức, viên chức, các phòng ban chuyên môn, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quận, phường; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích nhằm xây dựng quận Tây Hồ sáng - xanh - sạch - đẹp, xứng đáng là trung tâm văn hóa, dịch vụ, du lịch của Thủ đô Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.