Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới phân tích, so sánh, đưa ra kiến nghị về an toàn thực phẩm tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Để mỗi người dân có ý thức về thực phẩm an toàn
Sáng 27-3, tại hội thảo công bố Báo cáo "Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam - những thách thức và cơ hội" do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm nêu rõ: Tình hình an toàn thực phẩm tại Việt Nam là vấn đề nóng trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2015 và 2016. Sau khi báo cáo được công bố, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới có những hoạt động cụ thể hơn, trước hết là để những khuyến nghị của báo cáo được lan tỏa đến mọi người dân, xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một nước xuất khẩu nông nghiệp lớn. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường như Nhật Bản, EU, Mỹ... cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở quy mô sản xuất lớn.
Vấn đề khó khăn của Việt Nam là liên quan tới thực phẩm tiêu dùng trong nước, trong đó phần nhiều do các hộ nhỏ lẻ, từ nuôi trồng, chế biến, kinh doanh. Vì vậy, một mặt cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng mặt khác tuyên truyền, vận động nhân dân, để mỗi người có ý thức tuân thủ pháp luật về sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm an toàn.
Phó Thủ tướng cho rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ, đúng hướng, đúng xu thế. Vì vậy, quan trọng nhất là tăng cường năng lực thể chế từ cấp Trung ương đến địa phương, ở cả 4 cấp, trong đó cấp cuối cùng là vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh năng lực kiểm tra, đo lường, với mạng lưới từ phòng thí nghiệm, phương tiện lưu động... không phân biệt của nhà nước hay doanh nghiệp, phương tiện nào đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật đều phải được huy động để tham gia công việc này. Vấn đề quan trọng là phải tăng cường năng lực thực hiện với các giải pháp rất đồng bộ...
Nâng cao hiệu quả triển khai trên thực tế
Công ty Cổ phần thương mại Lan Vinh (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) mỗi tháng giết mổ gần 1.000 tấn thịt gia cầm an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Mục tiêu của báo cáo "Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam - những thách thức và cơ hội'' là mô tả thực trạng an toàn thực phẩm, các hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm tại Việt Nam; phân tích các nguy cơ an toàn thực phẩm đối với một số chuỗi giá trị thực phẩm chính dựa vào các thực hành tốt nhất trên thế giới về phương pháp đánh giá nguy cơ; đưa ra các khuyến nghị giúp Việt Nam cải thiện an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào chuỗi sản xuất thịt lợn cung cấp cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả báo cáo cho thấy khung pháp lý ở Việt Nam đã có nhiều cải tiến, nhưng quá trình triển khai còn hạn chế. An toàn thực phẩm đang là mối quan tâm lớn đối với công chúng với mức độ lo ngại ngày càng tăng mỗi khi xảy ra vấn đề an toàn thực phẩm.
Qua nghiên cứu chuỗi giá trị thịt lợn, rau cung cấp cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy 80% thịt lợn, 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ lẻ (truyền thống), những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị này; 76% thịt lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ với điều kiện vệ sinh kém. Các kỹ năng kỹ thuật, áp dụng các thực hành tốt nhất, sự kiểm soát của các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế.
Người tiêu dùng thích dùng các sản phẩm tươi sống và hầu hết không bảo quản thực phẩm trong một thời gian dài... Rất khó để đánh giá được các bệnh truyền qua thực phẩm dù ở bất cứ nước nào, nhưng mức độ nhiễm bẩn trong các sản phẩm thực phẩm Việt Nam tiêu thụ trên thị trường nội địa đã cho thấy mối lo về thực phẩm không an toàn của cộng đồng và các vấn đề thương mại liên quan là có cơ sở.
Nguyên nhân chính gây ra các bệnh truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật, chứ chưa phải do tồn dư hóa chất. Nhiễm bẩn vi sinh vật có thể được dự phòng, xử lý thông qua áp dụng các biện pháp vệ sinh trong toàn bộ chuỗi thực phẩm.
Thách thức đối với an toàn thực phẩm đó là việc lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp hoặc không được quản lý nghiêm ngặt, thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc và ô nhiễm chéo, thay đổi thói quen sản xuất, thực hành các biện pháp an toàn thực phẩm của một số lượng lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Những vấn đề an toàn thực phẩm có thể sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu Chính phủ không có những hành động kịp thời.
Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý an toàn thực phẩm hiện đại, với các nền tảng giúp nâng cao hiệu quả triển khai an toàn thực phẩm và chất lượng kết quả đạt được. Nhưng để triển khai hiệu quả các quy định pháp lý, cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố nguy cơ và kết quả triển khai trên thực tế.
Không có một biện pháp đơn lẻ nào để giải quyết được mọi vấn đề an toàn thực phẩm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều phương án thử nghiệm được phối hợp đúng cách sẽ góp phần từng bước cải thiện mức độ đảm bảo an toàn thực phẩm.
Báo cáo đề xuất là cần xây dựng một hệ thống kiểm soát dựa trên nguy cơ, áp dụng các nguyên lý đánh giá nguy cơ: Nguy cơ quản lý và truyền thông nguy cơ đã được FAO/WHO (Tổ chức Lương thực Thế giới/Tổ chức Y tế Thế giới) xây dựng; các đề xuất được dựa trên cơ sở và góp phần xác định các mục tiêu cụ thể của Chiến lược an toàn thực phẩm quốc gia...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.