Sách

Lặng nghe ký ức

Hà An 27/07/2024 12:15

“Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc” với gần 300 trang là cuốn sách xúc động do NXB Trẻ ấn hành vừa ra mắt bạn đọc trong tháng 7 tri ân các thương binh, liệt sĩ. Như tên gọi, cuốn sách chở nặng ký ức của 120 cựu chiến binh, người dân... đã không tiếc máu xương giữ từng tấc đất, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

23683e7c4d171821f75bc0569a83c012.jpg
Bìa sách “Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc”.

Những nỗ lực chắp nối mảnh vụn từ hồi ức người trong cuộc của các tác giả thật sự khiến người đọc được “dự phần” vào một chặng đường lịch sử quan trọng của dân tộc.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 nhấn mạnh trong phần giới thiệu: “Cuốn sách tập trung vào hai mốc thời gian trọng yếu: Tháng 2-1979 và năm 1984 với mục đích phần nào tái hiện một thời đoạn lịch sử qua lời kể của các nhân chứng là người dân, bộ đội chính quy, công an vũ trang, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ... Các nguồn tin chính thống khả tín kết hợp với tư liệu phỏng vấn công phu thực sự thu hút tôi ở tính khách quan, chân thực và đa dạng”.

Nhóm tác giả Đào Thanh Huyền, Hà Hương, Phạm Hoài Thanh đều từng hoặc đang công tác, giảng dạy trong các cơ quan báo chí, trường đại học. Đào Thanh Huyền và Phạm Hoài Thanh còn là đồng tác giả cuốn sách “Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ - 1954 - 2009” và Hà Hương từng đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia với đề tài về cuộc chiến Vị Xuyên.

Thấy rõ lối tiếp cận báo chí từ “người thật việc thật”, để các nhân vật tự cất lên tiếng nói. Xử lý những khối hồi tưởng giàu tư liệu, cảm xúc đó cần đến những công phu đối chiếu sử liệu cũng như tìm tòi, phân tích của nhóm tác giả.

Cuốn sách được chia làm 4 chương: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, “Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”, “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, “Có một bài ca không bao giờ quên”.

Trong đó, chương 1 là hồi ức của những người lính ở nhiều địa phương, mặt trận như Lạng Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu. Chương 3 lại tái hiện các trận đánh khốc liệt thông qua lời kể trực tiếp của nhân chứng như điểm cao 772 Vị Xuyên MB84, Vị Xuyên 1985. Chương 2 mang đến “chuyện những người dân” và “những người lính không mang súng”... Nơi nào cũng nóng bỏng, thử thách sức chịu đựng cùng cực, trước khi nói đến hy sinh.

Ở mặt trận Vị Xuyên, những người lính công binh cảm tử đứng thành hàng trong hang Làng Lò với một nghi lễ như truy điệu sống, “rồi suốt 3 tháng trời, 9 người trong một hang sâu, đáy tầm 1m2, ngày ngồi chân chĩa vào nhau, lưng tựa vách đá. Tóc dài ngang vai. Ăn toàn gạo sấy đổ nước vào với thịt hộp. Tối cứ tầm 6, 7h là rời khỏi hang đi lên phía trên xây dựng công sự”. Trên mặt trận khác, “những người mang xác anh em về đều phải bôi dầu con hổ, họ bôi đỏ cả mũi, đi qua bọn tôi còn thấy mùi”. Công tác thương binh, liệt sĩ tại chiến trường qua hồi ức của đội tuyên văn (trong đó có nhạc sĩ Trương Quý Hải, các nghệ sĩ đoàn Tuồng, Cải lương trung ương) cũng là những trang đẫm nước mắt.

Những lời kể được giữ nguyên nhịp điệu, văn phong tự nhiên càng khiến không gian lịch sử bi hùng trở nên sống động, chân thực.

Với lối trình bày hiện đại, nhiều hình ảnh tư liệu, báo chí, minh họa, cuốn sách mang đến một cảm giác sẻ chia ấm áp, cái nghiêng mình thành kính trước những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặng nghe ký ức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.