(HNM) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Chỉ khi 1,3 triệu cán bộ, quản lý giáo viên nhận thức đúng đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào, từ đó mong muốn được cống hiến bằng cả tâm huyết thì sự nghiệp đổi mới mới thành công.
Người đứng đầu ngành được coi là "nóng" nhất hiện nay cho rằng: Chỉ khi 1,3 triệu cán bộ, quản lý giáo viên nhận thức đúng đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào, từ đó mong muốn được cống hiến bằng cả tâm huyết thì sự nghiệp đổi mới mới thành công.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với giáo viên Trường Tiểu học Phước Sơn 1, huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Không chỉ là lắng nghe
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần của đợt tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến với những ngôi trường hết sức bình dị của một tỉnh nghèo, lẽ dĩ nhiên giáo dục cũng chưa ở mức phát triển. Tại Trường THPT Quang Trung, chia sẻ những suy nghĩ, dự định của mình trên cương vị mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT động viên các thầy cô nói lên suy nghĩ thật của mình về những gì mà họ còn trăn trở, lo lắng, về những khó khăn người thầy gặp phải khi triển khai các chủ trương đúng của ngành nhưng ở nơi này nơi khác chưa đủ điều kiện để thực hiện. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn được nghe các thầy cô hiến kế để tháo gỡ những khó khăn đó.
Đáp lại mong muốn của Bộ trưởng, cô giáo Trần Thị Quỳnh Giao chia sẻ, những khó khăn trong quá trình đổi mới hầu hết đến từ thói quen cũ và khẳng định các thầy cô ở Quang Trung đã quen với những yêu cầu của đổi mới. Các thầy cô chỉ mong, những chủ trương mới của ngành cần có sự ổn định lâu dài, ví như quy chế của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng hay phải phù hợp với thực tế như việc tổ chức dạy học phân ban ở cấp THPT. Những gì diễn ra trong cuộc trao đổi gần gũi và thân tình của Bộ trưởng với giáo viên Trường Tiểu học Phước Sơn 1 cũng cho thấy, điều khiến cho những chủ trương đổi mới đúng đắn của ngành phát huy được hiệu quả trong thực tiễn chính là yếu tố con người. Ở Phước Sơn 1, mô hình trường học mới (VNEN) được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên triển khai một cách hiệu quả với sự ủng hộ của các bậc phụ huynh và cộng đồng. Bởi, đội ngũ đã có được sự đồng thuận trong nhận thức và quyết tâm trong hành động.
Trong cuộc đối thoại với cán bộ quản lý và giáo viên tỉnh Bình Định, khi cô Nguyễn Thị Mân, giáo viên Trường THPT Trưng Vương kết thúc phát biểu của mình bằng câu nói "để giáo dục Việt Nam thực sự khởi sắc thì một mình tân Bộ trưởng không thể làm nổi", cả hội trường ồ lên nhưng ông Phùng Xuân Nhạ lại nở nụ cười rất tươi. Và khi cô giáo tiếp rằng, "với quyền và những chiến lược đúng đắn, những hiến kế của các nhà giáo dục và sự quyết tâm của các thầy, cô chúng ta, những người trực tiếp giảng dạy, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ gặt hái nhiều thành công hơn trong sự nghiệp trồng người".
Mong muốn có Luật Nhà giáo
Làm thế nào để toàn thể thầy cô giáo toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp là một bài toán không dễ giải, trong khi đòi hỏi thì ngày càng cao, cả từ yêu cầu tự thân của ngành lẫn kỳ vọng của xã hội mà chế độ chính sách dành cho đội ngũ còn nhiều bất cập. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo ngành GD-ĐT của 63 tỉnh, thành phố ngày 20-5 cũng như với các thầy, cô giáo ở Bình Định trước đó, vấn đề đội ngũ, gồm cả lực lượng làm công tác quản lý lẫn giáo viên luôn được Bộ trưởng đặt thành trọng tâm.
Để hiểu được phải có quyết sách gì tác động tới 1,3 triệu người, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không chỉ đọc và trả lời tâm thư của các giáo viên gửi đến cho mình mà còn đã và sẽ thành tâm lắng nghe. Ông chia sẻ: "Mỗi địa phương là một đất nước thu nhỏ. Khi làm việc rất kỹ ở một nơi, sẽ hiểu các nơi khác một cách dễ dàng hơn". Có lẽ đó là cách để một người trưởng thành từ môi trường đại học sẽ nhanh chóng hiểu căn bản về giáo dục phổ thông, bậc học mà ông đánh giá có vai trò hết sức quan trọng. Bởi thế, khi làm việc với tư cách "tư lệnh" ngành của cả nước ông đã cùng họ bàn cụ thể về những quan điểm, định hướng nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới để cùng nhau thống nhất nhận thức và đồng hành với Bộ trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Và quan trọng hơn là cùng nhau "xác định định hướng ưu tiên, những vấn đề cấp bách cần làm ngay trong điều kiện ngành GD-ĐT đang có cả núi công việc như hiện nay", như ông đã trao đổi với giáo viên ở Quy Nhơn. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những hướng ưu tiên đó và tâm sự của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với các thầy cô là mong muốn sẽ có luật về nhà giáo. Bởi đây là một lực lượng lao động đặc biệt, công tác trong một ngành có tính đặc thù, áp lực lớn với những đòi hỏi khắt khe hơn so với các đối tượng công chức khác nên cũng cần có quy định điều chỉnh phù hợp, cũng như đãi ngộ thỏa đáng. "Giáo viên là trọng tâm công tác của tôi", không phải là lời nói suông bởi ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với Ngân hàng Thế giới để xây dựng một đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông.
Trong giai đoạn hiện nay và tương lai, ngành GD-ĐT đã, đang và sẽ triển khai nhiều chủ trương đổi mới, từ đổi mới chương trình, SGK; phương pháp dạy và học; triển khai mô hình giáo dục như mô hình trường học mới (VNEN); đến đánh giá chất lượng tại các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng… "Các thầy cô chính là người thực hiện sự đổi mới này, cho nên phải chuẩn bị cho họ từ tư duy, nhận thức đến quan điểm hành động. Khi chính những người trong ngành chưa thông, chưa rõ thì sẽ lúng túng trong hành động, tạo nên sự băn khoăn, hoài nghi, thậm chí mất niềm tin với giáo dục". Vì vậy, trước tiên phải có chuẩn giáo viên, không chỉ về trình độ, để từ đó rà soát lại đội ngũ, nắm rõ nhu cầu đào tạo để tập trung đào tạo lại. Hệ thống 117 cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay sẽ được sắp xếp, quy hoạch lại theo hướng tập trung vào những trung tâm đào tạo có chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; nhấn mạnh việc đào tạo lại để các thầy cô đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhất là về trình độ tiếng Anh và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên, nhất là với thầy cô dạy bán trú, lớp ghép, trường có nhiều điểm trường. Hoặc như phải có chế độ khuyến khích giáo viên giỏi được đề bạt làm quản lý, không nên để tình trạng làm giám hiệu thì mất phụ cấp đứng lớp như hiện nay... Nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cán bộ quản lý phải học "nghề" quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý của mỗi cơ sở giáo dục.
Phải đổi mới khẩn trương, mạnh dạn nhưng không nóng vội; không cầu toàn nhưng hết sức thận trọng, đó là quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Quan điểm đó thể hiện rất rõ trong cách ông chỉ đạo những công việc mà ngành GD-ĐT đang làm, những vấn đề đang còn bất cập, gây nhiều băn khoăn, tranh cãi. "Chương trình và SGK phổ thông phải có tính ổn định cao, là những kiến thức nền tảng, cơ bản không cần đưa cái mới, dù có hay nhưng chưa được kiểm chứng. Hoặc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 là một chủ trương đúng. Nhưng sự chuẩn bị về nhận thức của các đội ngũ giáo viên lẫn cha mẹ học sinh chưa đầy đủ, cũng như điều kiện để triển khai, nên ở nơi này, nơi khác còn nhiều băn khoăn, cần đánh giá thẳng thắn để có quyết sách phù hợp", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Thực tế và cầu thị, có lẽ đó là cảm nhận rõ ràng nhất qua một chuyến "vi hành" của người đang gánh trên vai trọng trách lớn - lãnh đạo sự nghiệp đổi mới GD-ĐT vẫn còn đang rất bộn bề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.