(HNMĐT) - Đồng Trì là một làng nhỏ, trước Cách mạng Tháng Tám chỉ có 333 nhân khẩu, song từ xa xưa đã là một xã độc lập (trên bia chùa Long Quang – chùa chung của làng với hai làng Cổ Điển, Cương Ngô) lập năm Vĩnh Tộ thứ tư (1622) đã ghi tên “Xã Đồng Trì”.
Đầu thời Nguyễn thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, đến 1888 thuộc tỉnh Hà Đông.Tháng 4 - 1946, làng nhập với các làng Cổ Điển, Cương Ngô, Văn Điển thành xã Tứ Hiệp thuộc tỉnh Hà Đông, đến năm 1949 thuộc quận VI nội thành Hà Nội. Hòa bình lập lại thuộc tỉnh Hà Đông. Đến tháng 6 - 1961 được chuyển về Hà Nội.
Theo các bậc cao niên trong làng thì xa xưa, Đồng Trì chỉ là cụm dân cư nhỏ có tên là “Đầm Chìm”, hình thành trên một khu đất cao, rộng khoảng 3 mẫu Bắc Bộ, phía Đông là con đê Đông Trạch ngăn nước lũ đại hà chạy suốt, ngoằn ngoèo, từ kinh thành xuôi phía Nam. Trong đê là một dòng nước từ Phủ Lý chảy ngược lên sát Kinh đô Thăng Long, thuyền bè ngược xuôi buôn bán tấp nập. Lúc đầu chỉ có 17 hộ, nhân khẩu chưa đầy 100 người, chủ yếu là dân thuyền đi buôn bán tụ lại nghỉ sau những chuyến đi ngược xuôi dòng. Dần dần, nhiều người về sinh sống tại đây, thành làng xóm đông đúc, đặt tên là Đồng Trì (ngụ ý làng được bao quanh bởi đồng và ao đầm), muốn từ làng qua lại các khu vực khác đều phải đi bằng bè, thuyền… Dân làng dành một khoảng đất về phía Nam làm nghĩa địa, gọi là “kẻ mọi”. Tuy là làng nhỏ nhưng Đồng Trì sớm trở thành một xã độc lập. Đến năm ất Mão đời Duy Tân (1915) vỡ đê Hoàng Mạc, Đầm Chìm được bồi đắp rộng bao thêm về phía Tây Bắc 10 mẫu Bắc Bộ, song phù sa cũng bồi lấp cả dòng kênh sâu rộng mà thuyền bè đi lại buôn bán trước đây.
Làng Đồng Trì hiện nay có các họ: Nguyễn (chiếm số đông nhất), Phạm, Quán, Đặng, Nhữ..
Khoảng giữa thế kỷ XIX, trong làng hình thành hai khối cư dân theo hai tôn giáo khác nhau là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Khối giáo dân chiếm số đông (năm 2003, thôn Đồng Trì có 246 hộ, 918 khẩu, khối giáo dân chiếm 76, 5 %), nên ngoài ngôi đình làng của lương dân còn có ngôi nhà thờ họ giáo, đến 1923, đã xây nhà thờ cho cả xứ đạo Đồng Trì, gồm 21 họ giáo ở 21 làng.
Đồng Trì ở thế trũng nhất trong bốn làng của xã Tứ Hiệp, hứng chịu nguồn nước từ cả nội thành đổ về. Thời kỳ ngập nước là từ ngay sau ngày mồng 5 tháng Năm đến Rằm tháng Tám. Do vậy, đồng ruộng của làng mỗi năm chỉ cấy được một vụ chiêm, đến Rằm tháng Tư, khi lúa vừa chín đến, thậm chí còn xanh phải khẩn trương gặt để phòng nước lũ về gây đổ hoặc ngập lúa. Để có thêm thu nhập, dân làng có nghề đánh bắt tôm cá trong đồng trũng. Dân làng có kinh nghiệm căn cứ vào mức nước, màu nước, thời tiết để bố trí các hình thức và thời điểm đánh bắt thích hợp, cho hiệu suất cao. Tôm cá đánh bắt được thường đem lên tận chợ Mơ bán cho các cửa hàng đặc sản ở nội thành. Ngoài ra, dân làng còn có nguồn lợi là thả sen trong các con đầm, ao hồ lấy lá, hoa, hạt, củ dùng vào rất nhiều việc.
Đồng Trì xưa chỉ có một giáp, dựng đình chùa, tổ chức lễ hội, bảo vệ an ninh với hai làng Cô Điển và Cương Ngô.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Đồng Trì nổi tiếng là làng nghèo. Ngày nay, đời sống dân làng đã khá giả. Tại đầu làng hiện đang mọc lên cụm công nghiệp vừa và nhỏ và khu đô thị Tứ Hiệp.
TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.