Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa ý thức “thượng tôn pháp luật”

Hà Anh| 18/02/2023 13:51

(HNMCT) - Khoảng 2 tháng trở lại đây, có lẽ “kiểm tra nồng độ cồn” là một trong những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trên báo chí, mạng xã hội và cả trong những bữa cơm gia đình, những bữa tiệc cưới hỏi, liên hoan hay trong những câu chuyện “nhàn đàm” ở quán cà phê, trà đá vỉa hè.

Trước hết, phải khẳng định rằng “chiến dịch” kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn - kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay (chắc chắn sẽ còn tiếp tục duy trì) và được triển khai rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước - đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ và số người chết do tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là không xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Còn theo thông tin từ Bộ Y tế, số người tử vong do tai nạn giao thông trong dịp Tết năm nay giảm 3,7% so với Tết năm ngoái. Và để có được kết quả đó, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng gần 600% so với dịp Tết Nhâm Dần), với tổng số tiền phạt lên đến hơn 50 tỷ đồng!

Song, những số liệu khả quan đó chỉ là bề nổi, dễ thấy. Một điều quan trọng hơn cả là tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng của lực lượng chức năng, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm nặng, được đánh giá là “có sức răn đe” (mức phạt cao nhất đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn lên tới 40 triệu đồng, xe máy là 8 triệu đồng; ngoài ra người vi phạm còn chịu các hình phạt bổ sung như giữ xe, giữ bằng lái) đã khiến rất nhiều người “chùn tay” ở các cuộc tiệc tùng và tự giác tuân thủ “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Bởi chẳng ai dại gì trả giá một ly bia hoặc một chén rượu bằng mấy tháng thu nhập nên phần lớn người dự tiệc đều “nói không” với bia rượu và chọn nước ngọt, nước lọc, thậm chí trà đá, nước vối làm đồ uống. Trong những trường hợp cảm thấy “bất khả từ” thì nhiều người đã chọn xe ôm hoặc taxi làm phương tiện di chuyển. Vì thế, sẽ không bị xem là quá chủ quan khi nhận định rằng “chiến dịch” này của ngành Công an đã tạo nên một bước chuyển lớn trong ý thức của nhiều người tham gia giao thông. Và như vậy là sau 3 năm kể từ ngày Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành, các nội dung liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông mới thực sự “đi vào cuộc sống”.

Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP không chỉ quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn, mà bao hàm rất rộng, quy định xử lý đối với rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giao thông đường sắt. Nói cách khác, các quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn chỉ là một phần của nghị định này. Quan sát thực tế đời sống xã hội hiện nay, dễ thấy vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến và rất đa dạng, có thể nói là “muôn hình vạn trạng” với những hành vi như không đội mũ bảo hiểm (khi đi xe máy); điều khiển phương tiện phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường, lấn làn, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp, vượt đèn đỏ; xe khách chở quá số người quy định; xe tải chở quá tải… Tất cả những hành vi này đều bắt nguồn từ ý thức yếu kém, ứng xử thiếu văn hóa, coi thường pháp luật của rất nhiều người điều khiển phương tiện và đều có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông.

Bởi thế, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ quan điểm, thái độ kiên quyết, không khoan nhượng của lực lượng công an đối với các vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, dư luận xã hội cũng mong muốn các cơ quan chức năng áp dụng triệt để tinh thần này với tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Rõ ràng là tuyên truyền, vận động phải song hành với xử nghiêm, phạt nặng, và có như vậy thì Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới thực sự "đi vào cuộc sống", trở thành "cú hích" giúp lan tỏa ý thức “thượng tôn pháp luật” trong cộng đồng, từ đó xây dựng nên văn hóa giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa ý thức “thượng tôn pháp luật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.